Dân Việt

Hội chứng "mất tích vùng biên": Nỗi đau để lại

03/08/2010 18:40 GMT+7
(Dân Việt) - Những phụ nữ ấy ra đi với tương lai mờ mịt, cái điều tiếng để lại cũng chẳng hay ho gì. Số lượng những người phụ nữ ra đi ngày càng gia tăng ở nhiều địa phương.
img
Công an xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu) làm việc với một gia đình có người mất tích.

Trắc trở những mảnh đời

Có một điều khó hiểu là số phụ nữ mất tích ấy cứ ngày một gia tăng ở những xã, bản vùng cao, đặc biệt là bà con các dân tộc: Mông, Dao, Thái... Và cái khó là họ "tự nguyện mất tích" theo sự rủ rê của một số đối tượng xấu nên hầu như việc tìm kiếm thông tin cũng như bản thân họ rất khó khăn. Do vậy, con đường trở về với gia đình của họ cũng rất mù mịt.

Gian nhà nhỏ bé, rách nát như cái chuồng trâu của anh Giàng Dúa Thếnh ở bản Chóp PLy, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) vừa được thay thế bằng một căn nhà mới rộng rãi sạch sẽ từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước. Nhưng trong căn nhà mơ ước ấy, 5 bố con anh lại thêm chống chếnh nỗi đau mất vợ. "Nó bỏ mình và các con đi rồi, chẳng biết đi đâu nữa. Nó thấy ở thế này khổ quá mà!" - Thếnh cay đắng bảo.

Nhìn cảnh nhà nheo nhóc với 4 đứa con thơ dại bơ vơ không mẹ, ai cũng khó cầm lòng. Gần nhà Thếnh là Giàng Sáng Hạ - em trai Thếnh có vợ là Giàng Thị Dế, 33 tuổi. 2 con của Dế nhem nhuốc, gầy guộc như thanh củi khô. Nói về vợ mình, Hạ bảo: Chắc nó cũng sẽ bỏ bố con mình mà đi thôi. Lâu nay nó chẳng lo việc nhà, chỉ chờ có điện thoại là đi mất hút. Một số người khác cũng bỏ đi như vậy rồi, chưa thấy ai quay về cả...

img
Một cháu bé ở bản Chopli, xã Keo Lôm, Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên có mẹ mất tích.

Gian nan giải cứu

Ông Hoàng Thọ Trung-Trưởng Công an huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết, trước những tính chất phức tạp và nguy hại của sự việc, công an huyện đã xác lập chuyên án đấu tranh và mới bắt được một đối tượng liên quan đến đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường. Hiện cơ quan này đang phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Lai Châu) tiếp tục điều tra làm rõ. Hy vọng sẽ sớm đưa các nạn nhân trở về với gia đình.

img Trường hợp phụ nữ bỏ nhà đi thời gian gần đây không chỉ xuất hiện ở xã Tả Lèng mà còn xuất hiện ở hầu hết các xã lân cận, thị xã Lai Châu. Việc truy tìm thủ phạm cũng gặp nhiều khó khăn do nạn nhân “tự nguyện” bỏ nhà đi nên khó tìm manh mối. img

Ông Hoàng Thọ Trung - Trưởng Công an huyện Tam Đường (Lai Châu)

Theo ông Trung, việc tìm kiếm các nạn nhân không đơn giản chút nào bởi hầu hết các nạn nhân "mất tích" này đều ra đi im lặng theo kiểu trốn chạy hoặc giả đò xin gia đình cho đi làm ăn xa.

Anh Hảng A Tủa - Trưởng công an xã Tả Lèng (Lai Châu) cho hay: “Hầu hết những nạn nhân mất tích đều là phụ nữ ở độ tuổi từ 18 đến hơn 30 - còn khả năng sinh nở, có chút nhan sắc nhưng không bằng lòng với cuộc sống gia đình do bị thất học, ép duyên, mơ thu nhập cao, nhàn hạ hoặc đã mắc nghiện ma tuý, từng làm tiếp viên karaoke, gái gọi... Với những đối tượng này, khi ra đi đều mang nặng tâm trạng trốn tránh thực tại nên họ không dám chủ động liên lạc với gia đình trước khi "vỡ giấc mộng vàng". Khi đã hiểu được cái sai lầm của mình thì họ lại bị khống chế hoặc mặc cảm nặng hơn nên càng lẩn tránh người thân, mất phương hướng.

Theo anh Tủa, bà con vùng biên giới rất thông thạo địa hình, có nhiều mối quan hệ với người nước ngoài. Bởi thế, khi đã quyết tâm đi, thì cũng chẳng để lại dấu vết cho người thân tìm kiếm. Thêm một khó khăn nữa, những kẻ gây ra những vụ “mất tích” kiểu trên hầu hết là do những người người Việt Nam đã hoặc từng sang Trung Quốc làm ăn, lấy chồng hoặc đang lẩn trốn sự truy đuổi của pháp luật, tổ chức dẫn đường, bắt mối... Sự thông thạo địa hình nước bạn của những đối tượng này cũng gây trở ngại cho việc tìm kiếm nạn nhân. Anh Tủa cho biết, để giải quyết khó khăn này cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều lực lượng và phải có sự cộng tác chặt chẽ từ người dân và phía Công an Trung Quốc.

Hiện tại, lực lượng công an, bộ đội biên phòng, ngành LĐ-TB&XH các tỉnh vùng Tây Bắc và Cục C45 Bộ Công an đã mở nhiều chuyên án tìm kiếm các nạn nhân mất tích, bị lừa bán ra nước ngoài; tăng cường phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên khu vực biên giới... và có kế hoạch tiếp nhận, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho các nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về.