Dân Việt

Hai điều ngộ nhận về Hội Nhà văn Việt Nam

03/08/2010 09:33 GMT+7
(Dân Việt) - Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, xung quanh Hội Nhà văn Việt Nam có hai ngộ nhận lớn cần phải “thanh toán” để Hội được rảnh rang làm phận sự của mình đúng tư cách một hội đoàn.
img
Lễ mừng thọ nhà văn Tô Hoài - một hội viên lão làng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Trước khi đại hội Hộ Nhà văn Việt Nam (HNVVN) khai mạc có nhiều vấn đề đã được xới lên, từ cả nhận thức tư tưởng đến công tác tổ chức, khiến văn giới và dư luận quan tâm. Văn đàn đã nóng lên vì đại hội, nhất là chuyện bầu cử một ban chấp hành mới. Đó là chuyện thường của một hội đoàn.

Theo tôi, xung quanh Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) có hai ngộ nhận lớn cần phải “thanh toán” để Hội được rảnh rang làm phận sự của mình đúng tư cách một hội đoàn.

Quá “quan trọng hoá” vai trò của Hội

Ngộ nhận HNVVN là văn học Việt Nam (VHVN). VHVN là một khái niệm rộng hơn, bao trùm hơn khái niệm HNVVN. Hội thực ra chỉ là một tổ chức tập hợp những người cầm bút viết văn chương. Một nền văn học có nhiều người viết, có thể có hội này hội kia (ở ta chỉ có một HNVVN), mỗi người tự chọn vào hội mình thích, và mỗi hội kết nạp hội viên theo tiêu chí của mình.

Hội Nhà văn Việt Nam thành lập năm 1957, đã trải qua 7 kỳ đại hội. Đây là lần thứ hai HNVVN đại hội toàn thể (lần đầu là năm 1989), với hơn 900 hội viên về Hà Nội tham dự.

Không thể nói văn chương của các hội viên HNVVN là toàn thể VHVN được. Nhưng lại đang có sự ngộ nhận như vậy. Ngộ nhận từ chính cấp lãnh đạo, từ bản thân Hội, đến các hội viên và một bộ phận độc giả. Cho nên người ta đã quá quan trọng hóa vai trò HNVVN, chất lên nó quá nhiều sứ mệnh, nhiệm vụ, khoác cho nó quá lắm trọng trách, ý nghĩa.

Bản thân HNV cũng tự coi mình như là người “phụ trách” VHVN. Thế là đâm rắc rối, lình xình đủ thứ chuyện quanh một tổ chức hội bình thường như bao hội đoàn khác mà cứ mỗi kỳ đại hội lại nóng lên một cách bất bình thường để rồi đại hội xong thì đâu vẫn lại vào đấy. Cần chấm dứt ngay sự ngộ nhận cơ bản và sâu xa này thì HNVVN mới biết mình là ai và mới biết cách hoạt động cho đúng một hội nghề nghiệp như các hội nghề nghiệp khác.

Nhà văn thích vào Hội thì vào, không thích thì ra. Trong Hội thì chịu ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên, ngoài Hội thì không. VHVN là thành quả của tất cả những nhà văn VN, bất kể hội viên HNVVN hay không. Không có văn học HNVVN mà chỉ có VHVN, và HNVVN cũng không phải lo chịu trách nhiệm cho VHVN. Cái lo đó là bổn phận của mỗi người viết có trách nhiệm.

“Hội viên” đâu cứ phải là “nhà văn”

Ngộ nhận thứ 2: Hội viên HNVVN mới là nhà văn. Đây là ngộ nhận ấu trĩ và nực cười nhất. Thậm chí đến mức có trường hợp người viết chỉ được gọi là tác giả thay vì gọi là nhà văn chỉ vì người đó chưa phải hội viên HNVVN. Thực tế, có những nhà văn hội viên và có những hội viên không phải là nhà văn, lại có những nhà văn nhưng không hội viên.

HNVVN chỉ có thể thoát ra khỏi tình trạng đó khi chấm dứt được hai sự ngộ nhận lớn của Ban lãnh đạo Hội và các hội viên, từ đó bắt tay tái cơ cấu lại Hội. Còn không thì cho dù họp đại hội đến mấy, họp như thế nào, bầu được một Ban chấp hành ra sao, HNVVN vẫn lùng nhùng, rắc rối. Còn VHVN thì có con đường đi của nó, ngoài sự toan tính của HNVVN.

Bởi vì như đã nói, hội đoàn của một ngành nghề lập ra, ai làm nghề thích thì vào, ai không thích thì thôi, còn tay nghề để được danh xưng là “nhà” thì không dựa vào chỗ hội viên hay không, mà dựa vào chất lượng tác phẩm. Sự ngộ nhận này là một nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng của việc xét kết nạp hàng năm của HNVVN vì có không ít người mong được trở thành hội viên để được danh giá ở hai tiếng “nhà văn”.

HNVVN mấy năm gần đây đã bị mang tiếng nhiều về chất lượng hội viên. Phải thấy rằng sự ngộ nhận này là hệ quả của sự ngộ nhận thứ nhất, và nó được quán xuyến trong mọi quan niệm, việc làm của HNVVN. Có thể nó xuất phát từ yêu cầu về tính chuyên nghiệp của việc viết văn, nhưng nó đã bị hiểu sai và phiến diện.

Ngay cả khi làm cuốn kỷ yếu của Hội thì tên gọi của cuốn sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại” đã là không đúng. Lẽ ra phải gọi là “Nhà văn Việt Nam hiện đại (hội viên HNVVN)”, bởi vì nhà văn VN hiện đại đâu chỉ có ở trong HNVVN. Một sự ngộ nhận như thế đã từ tên gọi thành ra việc không sòng phẳng, minh bạch trong quan niệm, gây thêm phức tạp, khó khăn cho quá trình xây dựng một nền văn học dân tộc thống nhất.

Còn có thể kể ra một số ngộ nhận khác nữa, nhưng hai ngộ nhận này là chính, khiến cho HNVVN lúng túng và bị động trong công việc của mình, không rõ thực chất mình như là một cơ quan quản lý nhà nước về văn chương hay mình chỉ là một hội đoàn hay nghiệp đoàn văn chương.