Dân Việt

Chọn ngành để miễn học phí

04/08/2010 06:12 GMT+7
(Dân Việt) - Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam trao đổi với NTNN về chính sách giải quyết tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực thủy sản.
 img
Chế biến thuỷ sản ở Hải Hậu (Nam Định).

Thiếu hụt trầm trọng

Ông đánh giá thế nào về thực trạng nhân lực ngành thủy sản hiện nay?

- Nhân lực ngành thủy sản chia thành các nguồn chính: Nhà quản lý, người làm công tác nghiên cứu, người lao động trực tiếp trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ hậu cần. Nhìn chung ở lực lượng nào của ngành thủy sản cũng thiếu nhưng thiếu ở các mức độ khác nhau.

Lực lượng quản lý, làm công tác nghiên cứu, giảng dạy hiện không thiếu trầm trọng, tuy nhiên chưa đáp ứng được hết nhu cầu. Thiếu nhất của ngành thủy sản là nguồn nhân lực lao động trực tiếp trên các lĩnh vực: khai thác, đánh bắt trên biển; nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Lực lượng này thiếu cả cán bộ giảng dạy lẫn người theo học do đặc thù lao động ngành nghề khó khăn, thiên tai, vất vả.

Trong số lao động trực tiếp lại có sự thiếu hụt khác nhau. Lao động nghề nuôi trồng thuỷ sản làm việc trực tiếp vẫn chủ yếu là nông dân, ngư dân thiếu đào tạo bài bản và có trình độ thấp. Lực lượng khai thác, đánh bắt trên biển là yếu nhất...

Theo ông, cần có giải pháp gì để cứu vãn tình trạng này?

- Tôi cho rằng nguồn nhân lực của ngành thủy sản cần tập trung lại để hình thành hệ thống học tập và đào tạo có bài bản hơn nữa. Trước đây có Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, đào tạo chính quy bậc đại học ngành thủy sản cho toàn quốc, ngoài ra mỗi khu vực đều có khoa Thủy sản cho mỗi vùng. Nhưng khi chuyển thành Đại học Nha Trang, dù vẫn duy trì các khoa Thủy sản, nhưng thiếu chuyên sâu như trước. Khu vực phía Nam, thủy sản tập trung cao nhất lại không có một đại học chính quy nào.

Phải có sự liên kết chặt chẽ

Doanh nghiệp và các trường đào tạo ngành thuỷ sản đang có những xu hướng trái chiều trong liên kết đào tạo và thực hành, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Doanh nghiệp và nhà trường cho đến nay vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ trong đào tạo. Các doanh nghiệp hiện nay muốn có thợ giỏi, đáp ứng được công việc thường năng động bỏ vốn ra tự đào tạo. Bộ NN&PTNT và Bộ GD&ĐT cũng chưa có giải pháp cụ thể nào để gắn kết các trường và doanh nghiệp. Theo tôi các trường cao đẳng, trung cấp nên gắn kết với các doanh nghiệp để lên kế hoạch chương trình đào tạo, bổ túc kiến thức, nâng cao trình độ cho phù hợp, đáp ứng được nhu cầu xã hội, đồng thời san sẻ kinh phí, học tập và nâng cao trình độ lẫn nhau.

Hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng lại đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thủy sản, trong đó nhấn mạnh chính sách miễn giảm học phí để thu hút thí sinh dự thi ngành thủy sản, ông nghĩ thế nào về tính khả thi của đề án này?

- Đề án miễn giảm học phí là một đề án được sự mong đợi của nhiều người. Tuy nhiên, không nên miễn học phí chung cho cả ngành này, mà tùy theo từng khu vực, lĩnh vực trong đó quan trọng nhất là khu vực biển đảo và lĩnh vực khai thác.

Nên chọn lĩnh vực và khu vực yếu nhất, trọng điểm nhất để miễn giảm học phí, phù hợp với chiến lược kinh tế biển và nghị quyết nông nghiệp nông dân, nông thôn đối với vùng sâu vùng xa, biển đảo đặc biệt khó khăn. Nên miễn hoàn toàn đối với lĩnh vực khai thác đánh bắt trên biển, lĩnh vực nguy hiểm, thiếu người gắn bó lâu dài. Ngoài ra, phải có chính sách ràng buộc sinh viên được hỗ trợ, khi ra trường phải hoạt động trong lĩnh vực được đào tạo.