Dân Việt

Muốn vay vốn phải có... nhà mặt tiền!

04/08/2010 13:13 GMT+7
(Dân Việt) - Quảng Ngãi là một trong những tỉnh triển khai thực hiện khá sớm Quyết định 497/QĐ-TTg (QĐ497) về hỗ trợ lãi suất mua sắm máy móc, vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng, làm nhà ở nông thôn.
 img
Ông Nguyễn Thanh Hùng phải vay vốn không được hỗ trợ lãi suất để mua máy gặt đập liên hợp.

Thế nhưng sau hơn 1 năm triển khai mới có 120 cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp được vay với số vốn 8,5 tỷ đồng và được hưởng hỗ trợ lãi suất 357 triệu đồng, bằng 1% so với tổng vốn vay trong cả nước.

Ông Nguyễn Thanh Hùng ở thôn 2, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), kể: Khi nghe tin nông dân được vay vốn hỗ trợ lãi suất mua máy móc, vật tư nông nghiệp, tôi mừng lắm nên cùng mấy anh em trong gia đình cầm 3 sổ đỏ đến Chi nhánh Ngân hàng Thương mại quốc doanh trên địa bàn huyện thế chấp vay 200 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp.

Tuy nhiên nhân viên tín dụng bảo: Các anh phải có nhà ở mặt đường mới cho vay (?). Chúng tôi lấy đâu ra nhà mặt đường? Vậy không còn cách nào khác đành phải sang Ngân hàng CSXH vay và phải chịu lãi suất như bình thường.

Ngoài chuyện "bắt bí" nông dân như ở Mộ Đức, còn có nhiều nguyên nhân làm cho QĐ 497 vẫn chưa đến được tay nông dân, dù thời gian được hưởng chính sách đã gần hết. Các ngân hàng đưa ra nhiều lý do như chưa nắm được thủ tục, cách thức làm hồ sơ vay vốn; máy móc, thiết bị muốn được hỗ trợ lãi suất phải là hàng sản xuất trong nước…

Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn mua sắm vật tư nông nghiệp lớn lại được hỗ trợ lãi suất thấp (4%), trong khi mua máy móc được hỗ trợ 100%. Đã vậy những khoản vay mua sắm vật tư nông dân phải hoàn vốn cho ngân hàng chỉ sau một vụ thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Văn Chậm - Trưởng phòng Tổng hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi, việc các ngân hàng thương mại không mặn mà với việc giải ngân nguồn vốn 497 cũng không thể có chế tài gì được vì đó là quyền tự chủ của các ngân hàng.

Ông Trần Ngọc Vinh - Trưởng Ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ, nhiều nông dân có nhu cầu vay nhưng còn nợ ngân hàng nên không thể làm thủ tục vay hỗ trợ lãi suất. Một số nông dân có nhu cầu vay mua máy móc thiết bị có công suất lớn nhưng hàng sản xuất trong nước không có, hoặc không đáp ứng được nhu cầu nên nông dân không làm thủ tục vay.