Dân Việt

Tạm trữ thuốc: Tốn tiền nhiều, hiệu quả kém

04/08/2010 13:16 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là những nội dung trong kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về việc tạm trữ thuốc do Bộ Y tế chủ trì thực hiện... Theo đó, chỉ hơn một nửa số hoạt chất được dự trữ; có thời điểm 98-100% số thuốc không đủ số lượng; quyết toán lại phụ trội hơn 2, 8 tỷ đồng…
 img

Việc tạm trữ thuốc được thực hiện từ năm 2005 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và cân bằng cung cầu, góp phần bình ổn giá thuốc.

Mục tiêu cụ thể của kế hoặc này là đảm bảo cơ số thuốc để sử dụng trong 45 ngày; tổng số tiền chi cho mua thuốc khoảng 330 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia mua thuốc tạm trữ được nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng và được đầu tư kinh phí nâng cấp kho chứa thuốc.

Tiến độ của kế hoạch này là trong năm 2005-2006 tập trung vào việc dữ trữ các thuốc cần cho điều trị và đang bị các công ty nước ngoài độc quyền phân phối. Giai đoạn 2 từ 2006 - 2010 phát triển ngành công nghiệp dược theo hướng công nghiệp hoá, chủ động trong việc cung cấp thuốc.

Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra (năm 2010), kế hoạch nêu trên chỉ mới dừng ở giai đoạn I. Việc thống kê loại thuốc cần dự trữ đáng ra được thu thập từ các số liệu do các bệnh viện cung cấp, nhưng do vụ Điều trị (nay là Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế) không đôn đốc các bệnh viện thực hiện nên không có cơ sở để lên danh mục thuốc.

Vì vậy, danh mục thuốc mua dự trữ do 3 Công ty Dược phẩm T.Ư I, II, III, các đơn vị được chọn mua thuốc dữ trữ đưa ra. Số lượng loại thuốc này chỉ đáp ứng được từ 115-118/204 số hoạt chất do Bộ Y tế đặt ra cho số thuốc mua cho chương trình này.

Tuy nhiên, với cơ số hoạt chất này, việc mua thuốc dữ trữ các loại thuốc cũng không đầy đủ. Theo kết luận thanh tra, vào thời điểm 31-12 các năm, sau khi xuất bán, 98-100% cơ số thuốc không đảm bảo số lượng quy định. Thậm chí, Công ty Dược phẩm T.Ư II hàng năm chỉ mua được 24,5-38% số thuốc được duyệt.

Dù lượng thuốc không đủ nhưng khi quyết toán, các doanh nghiệp này đã đưa vào sổ sách số lượng thuốc nhiều hơn cơ số thuốc được duyệt và nhiều loại thuốc nằm ngoài danh mục. Theo đó, lãi suất ngân hàng mà 3 công ty này đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ là hơn 2,8 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra đưa ra là mục tiêu bình ổn giá thuốc kế hoạch dữ trữ này không đạt được như mong muốn, trong đó có nguyên nhân chính là do các quy định của ngành y tế. Việc bình ổn giá thuốc chỉ được thực hiện thời gian qua là chậm so với việc ảnh hưởng của giá thuốc đối với đời sống nhân dân.