Những chiếc đò nhỏ tự phát này đang ngày ngày chở người qua sông Hậu. |
Có cầu to đẹp vẫn phải... luỵ đò
Tiếp xúc với phóng viên, những khác đi đò trên cho rằng họ rất ngán ngại khi phải đi đường vòng hàng chục cây số mới qua được cầu Cần Thơ. Việc này vừa tốn kém tiền bạc vừa mất nhiều thời gian đối với họ. Bởi nếu đi xe gắn máy vòng đi lẫn về qua cầu Cần Thơ, phải “mua đường” tới 40km, tốn 1 lít xăng và nếu đi xe ôm thì phải mất hơn 50.000 đồng còn đi xe đạp phải mất gần 1 giờ đồng hồ trong khi đó nếu xuống đò ngang cả đi lẫn về chỉ tốn 10.000 đồng và vài chục phút.
Sáng 3-8, chúng tôi đến bến phà Hậu Giang cũ (tên gọi khác là phà Cần Thơ) và ghi nhận nhiều người dân phía bên bờ Vĩnh Long vẫn qua Cần Thơ bằng chiếc đò ngang rất nhỏ và vô cùng nguy hiểm. Nhìn chiếc đò nhỏ chòng chành băng qua con sông Hậu rộng lớn mà tôi muốt thót tim.
Chị Nguyễn Thị Lan, chuyên bán hàng rong cho biết: “Nhà tui ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long trước đây phải qua phà để sang phía Cần Thơ buôn bán lặt vặt tới chiều mới về. Từ ngày có cầu Cần Thơ, phà không còn đưa nữa nên tui phải đi đò nhỏ. Dù biết là nguy hiểm nhưng nếu đi xe ôm lên đường dẫn rồi vượt cầu Cần Thơ tốn mấy chục ngàn mỗi lượt nhưng tiền lời tui bán một ngày chẳng bao nhiêu”.
Không chỉ chị Lan, nhiều người bán hàng rong, thợ hồ, sinh viên khác bất chấp nguy hiểm để vượt sông Hậu “chui” bằng những chiếc đò nhỏ.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết những chiếc đò nhỏ vượt sông Hậu ở khu vực bến phà cũ đều không đăng ký, đăng kiểm và không an toàn cho khách sang sông và cũng không hành khách nào có mặc áo phao. Dọc tuyến sông này có hàng chục bến đò ngang tự phát, chuyên chở hàng trăm khách mỗi ngày.
Anh Trần Thanh Long - thợ hồ ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) nhưng làm công trình phía bên Cần Thơ bày tỏ: “Trước đây đi phà chỉ tốn 2.500 đồng là vượt sông Hậu. Bây giờ có cầu rồi nhưng phải đi đường vòng mấy chục cây số mới tới chỗ làm, chi phí xăng xe đều tăng. Vì vậy nhiều người chọn giải pháp vượt sông bằng ghe nhỏ ít tốn chi phí hơn, bất chấp an toàn trong mùa mưa bão”.
Nhu cầu thực sự của hàng ngàn người
Tại bến tàu Chồm Yên (xã Tân Quới, huyện Bình Tân, Vĩnh Long) lượng khách qua đò trong thời gian gần đây tăng đột biến do nhiều người ngại đi đường vòng để qua cầu.
Một chủ tàu cho biết gần đây trung bình 20 phút là có một chuyến xuất bến thay vì 1 giờ như những ngày cầu Cần Thơ mới khánh. Bến tàu này có 2 chiếc phà nhỏ có sức chở 30 xe gắn máy và 49 khách chạy xuyên suốt từ 6 giờ sáng đến 18 giờ 30. Tính ra, cũng có tới 1.000 - 2.000 khách qua đò mỗi ngày...
Bà chủ bán vé ở bến tàu nói như phân trần:“ Trước đây đợi phà lâu lắm nhưng bây giờ khách đông nên chỉ chờ chút xíu là phà chạy liền và giá vé là 3.000 đồng/người!”. Chính vì nhu cầu khách ngày càng tăng nên chủ bến tàu này đang dự định tăng chuyến và đóng thêm tàu mới để phục vụ hành khách. Hiện tại, bến này có 2 chiếc phà nhỏ qua lại. Thời gian gần đây đông người qua sông nên sắp tới sẽ đóng thêm 2 chiếc mới và lớn hơn để phục vụ nhu cầu của hành khách.
Nhu cầu người dân qua lại sông Hậu bằng phà đang bức thiết nhất là đối với tầng lớp lao động bình dân. Vì vậy, Sở GTVT Cần Thơ đề nghị UBND TP.Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT cho phép phà Hậu Giang hoạt động trở lại. Công ty cổ phần Bến xe tàu Cần Thơ cũng có văn bản gửi UBND và Sở GTVT Cần Thơ xin phép đầu tư xây dựng và khai thác bến phà tại vị trí bến phà cũ với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng để vận chuyển hành khách, xe máy và ô tô nhỏ vượt sông Hậu.
Bộ GTVT chưa đồng ý tái lập bến phà
Chiều qua 3-8, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết: Hiện Bộ đã nghe phản ánh về việc đò ngang xuất hiện nhiều tại khu vực cầu Cần Thơ. Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã yêu cầu các vụ chức năng để xử lý vụ việc. Ông Công cho biết trước hết Bộ sẽ chỉ đạo Sở GTVT Cần Thơ làm tốt công tác tuyên truyền để người dân sử dụng cầu Cần Thơ thay vì đi đò ngang. Quan điểm của Bộ là không đồng ý với việc lập các bến phà vì theo bộ này là “lãng phí số tiền lớn đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ”.
Hoàng Mai