Suy dinh dưỡng dù đủ ăn!
Có một điều rõ ràng dù nghịch lý. Đó là nhiều bậc phụ huynh đang cuống cuồng vì con trẻ ốm yếu chẳng khác nào suy dinh dưỡng dù không hề thiếu ăn!
Thực tế, sở dĩ trẻ ngày càng suy kiệt vì biếng ăn, gầy còm, đi đứng không vững, khó ngủ, hay khóc nhè, thường xuyên rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là khuynh hướng dễ nôn ngay sau khi ăn, dù chẳng nuốt được bao nhiêu, là vì tác dụng phụ của thuốc kháng sinh dùng quá nhiều do trẻ hay bị bội nhiễm đường hô hấp, tiêu hóa hay tiết niệu.
Khỏi nói dông dài cũng biết tình trạng này đang phổ biến đến như thế nào ở nước ta khi thuốc kháng sinh dễ mua hơn báo! Đó là chưa nói đến thói quen "không biên toa cho thuốc kháng sinh không về" của một số thầy thuốc xem thường chuyện lờn thuốc cũng như ảnh hưởng bất lợi trên sức đề kháng của bệnh nhi.
Yếu quá nuốt không vô
Trẻ quá yếu nên tất nhiên không háu ăn vì còn sức đâu mà thèm ăn. Hơn nữa, cho dù có bị ép ăn thì dưỡng chất đằng nào cũng không được hấp thu. Càng thiếu dưỡng chất cần thiết để tổng hợp kháng thể trẻ càng dễ bị bội nhiễm. Trẻ cứ ít ngày tiêu chảy lại thêm nay viêm họng mai viêm phế quản tất nhiên phải sớm trơ xương, bụng ỏng, mắt lồi, mặt hốc hác.
Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp tục khiến trẻ càng lúc càng sụt cân, càng dễ đau yếu cho đến khi một căn bệnh nghiêm trọng nào đó thừa nước đục thả câu. Thường gặp nhất là tình trạng dị ứng dai dẳng cho dù có dùng thuốc chống dị ứng. Thay vì rầy trẻ biếng ăn, thay vì tưởng trẻ bị bệnh ngoài da, cha mẹ nên hỏi ý kiến thầy thuốc để bổ sung chất đạm, men tiêu hóa, sinh tố, khoáng tố... càng sớm càng tốt.
Thiếu đạm khó khỏe
Tưởng phải trong nhờ đục chịu trong chuyện trẻ con chậm lớn vì phản ứng phụ của thuốc kháng sinh thì sai. Giải pháp cho toàn bộ chuỗi khúc mắc vừa kể không quá phức tạp nếu như thầy thuốc cũng như phụ huynh nhanh tay bổ sung chất đạm, sinh tố và khoáng tố cho trẻ ngay khi phát hiện trẻ không tăng trưởng theo đúng tiến độ bình thường.
Khéo hơn nữa là việc áp dụng chất đạm, đặc biệt là các loại acid amin cần thiết để phòng chống tình trạng viêm nhiễm, như lysin, không chỉ cùng lúc với liệu trình điều trị bằng thuốc kháng sinh mà tiếp tục nhiều ngày trong giai đoạn phục hồi.
Bên cạnh vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể, nhờ tác động đặc hiệu trên sụn và mô liên kết nên lysin là nhân tố tối cần thiết cho tăng trưởng nói chung và phát triển xương cho trẻ, nhất là khi được kết hợp với các acid amin khác như threonine, tryptophane, methionine...
Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu cho thấy trẻ không thiếu lysin rõ ràng là đối tượng ít bị bội nhiễm. Ngay cả trong trường hợp mắc bệnh thì thời gian nhiễm bệnh cũng được thu ngắn thấy rõ. Việc dùng thuốc kháng sinh, hạ nhiệt, chống ho... nhờ đó an toàn hơn cho trẻ vì giới hạn được phản ứng phụ khó lường nhờ không phải dùng thuốc lâu ngày. Đáng tiếc là nhiều bệnh nhi vẫn còn được điều trị bằng thuốc đặc hiệu nhưng lại thiếu chất đạm giữ vai trò hỗ trợ cho sức đề kháng trong phác đồ điều trị.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng