Dân Việt

Hoang mang bệnh lạ ở lúa

05/08/2010 12:43 GMT+7
(Dân Việt) - Trong vòng 2 tuần trở lại đây, nông dân huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) đang rất hoang mang vì một loại bệnh lạ xuất hiện trên lúa chưa tìm ra nguyên nhân. Cơ quan chức năng tạm gọi là "bệnh vàng lụi lá lúa".
img
Cán bộ khuyến nông kiểm tra ruộng lúa bị nhiễm bệnh vàng lụi lá lúa và bệnh đốm sọc vi khuẩn.

Hàng trăm ha lúa ở Hiệp Hoà đang đứng trước nguy cơ giảm sản lượng, thậm chí mất trắng.

Tốc độ lây lan chóng mặt

Hơn 10 ngày trước, khi đi thăm đồng, chị Lường Thị Cảnh ở thôn Tăng Sơn, xã Hoà Sơn đã bất ngờ phát hiện ruộng lúa rộng 1,5 sào của mình bị nhiễm một thứ bệnh lạ, ban đầu chỉ có một vài cây có biểu hiện vàng lá, sau đó chỉ 2-3 ngày đã lan ra cả ruộng. Tưởng lúa bị sâu đục thân, chị đã đi mua thuốc về phun trừ nhưng không có hiệu quả, lúa cứ ngày một vàng đi.

Tại huyện Hiệp Hoà cũng đã xuất hiện bệnh đốm sọc vi khuẩn với hàng chục ha lúa nhiễm bệnh các biểu hiện là lúa bị héo úa, lá non, teo lại, không phát triển được lá đòng mới, lúa chỉ có cây, không trổ bông được.

Chị Cảnh cho biết: "Từ khi phát hiện lúa bị nhiễm bệnh, tôi đã phun thuốc đến 3 lần rồi, từ thuốc trừ rầy, sâu đục thân đến thuốc bón lá, mà vẫn không ăn thua". Chị Lương Thị Huấn ở xóm Chùa, xã Hoà Sơn có 5 ruộng lúa, thì đến 4 ruộng bị nhiễm bệnh tương tự. "Tôi đang rất lo, không biết lúa bị bệnh gì nữa, mặc dù tôi đã phun các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh hại lúa rồi. Không khéo mất mùa như chơi" - chị Huấn lo lắng.

Trên khắp các cánh đồng của các xã từ Hoà Sơn, Thái Sơn đến Quế Sơn đâu đâu cũng xuất hiện căn bệnh kỳ lạ này, diện tích nhiễm bệnh ngày một rộng. Ông Hoàng Văn Minh - Trưởng thôn Thái Thọ (Thái Sơn) cho biết:

"Chúng tôi mới cấy chưa được 2 tháng, thì đến nay, cả xã đã có 40/50ha bị nhiễm bệnh vàng lụi lá lúa. Mặc dù, chúng tôi đã chỉ đạo bà con phun thuốc trừ sâu, rắc vôi bột, song vẫn chưa thấy tác dụng".

Theo thống kê của UBND huyện Hiệp Hoà, hiện có ít nhất 70ha lúa đang bị nhiễm bệnh vàng lụi lá, chủ yếu xuất hiện trên các trà lúa mùa sớm đang thì con gái, chuẩn bị làm đòng. Ông Nguyễn Văn Chính- Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà cho biết: "Với tốc độ lây lan như hiện nay, trong thời gian tới khả năng sẽ còn có hàng trăm ha lúa nữa bị nhiễm bệnh này".

Nhanh chóng làm rõ nguyên nhân

Theo ông Chính: "Thực chất, bệnh này đã xuất hiện từ năm 2004 và phát triển mạnh vào các năm 2007-2008 với diện tích nhiễm bệnh năm sau nhiều hơn năm trước và chỉ xuất hiện vào vụ mùa, thời tiết càng nóng nực, càng phát triển mạnh. Trong thời gian đó, chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ song bệnh vẫn không giảm.

Đỉnh điểm là vụ mùa năm 2009, có đến 600/8.000ha bị nhiễm bệnh, trong đó có 5ha mất trắng, diện tích còn lại bị giảm năng suất từ 10-40%". Sau khi phát hiện bệnh lạ này, Viện Bảo vệ thực vật và một số chuyên gia của Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội có về lấy mẫu xét nghiệm, kết quả không phát hiện thấy virus gây bệnh lùn sọc đen hay vàng lùn- lùn xoắn lá, mà chỉ thấy có biểu hiện của virus gây bệnh.

Ông La Văn Trọng - cán bộ khuyến nông xã Thái Sơn cho biết: "Loại bệnh này có hai biểu hiện ra bên ngoài: Vàng uôm, tức lúa bị vàng từ lá rồi xuống đến gốc. Biểu hiện thứ hai là vàng đỏ, lúa vàng đến đâu lá nhanh chóng bị đỏ đến đó, rồi xoè ra, không phát triển được, nên chúng tôi tạm gọi là vàng lụi".

Hiện tốc độ lây lan của bệnh này khá nhanh và ngày càng có biểu hiện nặng thêm. Tuy nhiên, đến nay các chuyên gia vẫn đang tiếp tục phân tích và theo trả lời phải chờ ít nhất 2 tuần nữa mới có kết quả chính xác.

Theo Phó Chủ tịch huyện Hiệp Hoà Nguyễn Văn Chính, huyện đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang sớm công bố dịch tại đây và có các chính sách hỗ trợ bà con nông dân trong công tác phòng trừ loại bệnh này".