Dân Việt

Văn nghệ bản hút khách

06/08/2010 08:17 GMT+7
(Dân Việt) - Không chỉ hoạt động thường xuyên góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đội văn nghệ bản Tông (xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La, Sơn La) còn là mô hình dịch vụ văn hoá xuất sắc miền sơn cước.
img
Các thành viên đội văn nghệ bản Tông.

Nói về những ngày đầu lập đội văn nghệ bản Tông cách đây 15 năm, chị Hà Thị Kim- đội trưởng tâm sự: "Gian nan lắm. Chỉ riêng luyện tập đã mất nhiều thời gian lắm rồi, đó là chưa kể phải tự đầu tư trang phục, học cách trang điểm. Ngày ấy không ít người vẫn bữa đói, bữa no, thế mà không ai bỏ cuộc...".

Trăm dâu đổ đầu... chồng

Chen vào câu chuyện giữa chúng tôi, anh Lò Văn Tâm - chồng chị Kim, nói vui: "Có được thành công hôm nay không thể không kể đến sự đóng góp của cánh đàn ông chúng tôi đâu nhé. Không dễ kiếm được những ông chồng nhịn ăn để làm, trông con thay vợ như thế đâu". Chị Kim cười: "Ai dám quên ơn các ông! Nhưng cái ơn này xin được trả dần".

Sơn La hiện có hơn 1.500 đội văn nghệ bản; trong đó có nhiều đội văn nghệ đã có "thương hiệu" như: Bản Pó, bản Giảng, bản Lầu, bản Cá, bản Hìn... Các đội văn nghệ này đều tự đầu tư, thường xuyên biểu diễn.

Ngày đầu thành lập, hầu hết đội viên đều mới xây dựng gia đình. "Nhiều hôm ở nương, ở ruộng về muộn, chẳng kịp tắm rửa, cho con ăn đã vội ra nhà văn hoá để luyện tập. Thôi thì mọi việc ở nhà đều do các ông xã làm cả. Xong việc nhà là các ông ấy lại bồng con ra cổ vũ..." - chị Cà Thị Thoa nhớ lại.

Bà Quàng Thị Hơn, ông Lò Văn Thoả... nói về đội văn nghệ bản mình rất hãnh diện: “Chẳng có đội văn nghệ nào duy trì được như đội văn nghệ bản tôi. Lớp diễn viên này nghỉ, lại có lớp trẻ kế tiếp. Mấy đứa cháu tôi cũng tham gia đấy, có đứa đang học lớp 11 mà vẫn cố luyện tập để bằng chị bằng em...”.

Thu nhập hơn cử nhân

Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, phong trào văn hoá văn nghệ ở Sơn La nở rộ. Hầu hết các xã, bản, cơ quan, trường học... đều lập đội văn nghệ. Khắp nơi đàn, ca, sáo, nhị vang lừng. Các đôi văn nghệ đua nhau luyện tập, tìm tòi bản sắc văn hoá các dân tộc đưa vào "thực đơn" của đội mình.

Từ phong trào ấy, những điệu múa, khúc dân ca, đang Mường, khắp Thái, khèn Mông, đàn tính tẩu, các loại nhạc cụ dân tộc, văn hoá lễ hội... có điều kiện để phục hồi, cải tiến và thi thố biểu diễn. "Nhiều hôm đội phải chạy “sô” mấy nơi để biểu diễn theo yêu cầu của khách đấy. Mệt mỏi, chồng con khuyên nghỉ diễn, nhưng tôi nghĩ, đã có thương hiệu thì phải giữ lấy. Thế rồi lại đi" - chị Kim kể.

Anh Lò Văn Thích - chồng chị Lò Thị Lan, tâm sự: Cái quan trọng là vợ chồng phải hiểu nhau, tin nhau thì mới tạo điều kiện cho nhau tham gia luyện tập, biểu diễn thường xuyên được. Nhiều lần các bà ấy ra cả nước ngoài biểu diễn, mình phải trông con, trông nhà nhưng vẫn thấy vui...

Du khách mỗi lần đến Sơn La đều muốn được tắm suối nước nóng, ăn cơm lam, uống rượu cần... và xem văn nghệ nên bây giờ biểu diễn văn nghệ đã thành hoạt động thường ngày của đội. "Vất vả nhưng vui lắm vì được đem điệu xoè, lời hát, tiếng nhạc của quê hương mình ra biểu diễn cho du khách khắp nơi xem; làm họ nhớ, họ thương, họ muốn đến với Sơn La" - chị Kim bảo.

Còn anh Tâm tự hào: Thu nhập của các bà ấy hơn cả cử nhân mới ra trường. Có đêm biểu diễn mỗi người thu được cả tạ ngô đấy. Giá như tỉnh, thành phố hỗ trợ cho việc học tập, nâng cao tay nghề thì biểu diễn sẽ hay hơn, đẹp hơn nữa".