Dân Việt

Vui hát thường đang, bọ mẹng

05/08/2010 12:45 GMT+7
(Dân Việt) - Về thăm bản Mường ngày hội, ngoài điệu nhạc bản âm "cò ke" ống sáo lâng lâng thì những khúc thường đang, bọ mẹng độc đáo, quyến rũ cũng là lực hút níu chặt lòng người.
img
Các cô gái Mường vui hát giao duyên.

Thường đang, bọ mẹng là hình thức hát dân ca trong các dịp vui, ngày hội của đồng bào Mường, ca ngợi cuộc sống thanh bình, no ấm.

Lời hát cất lên trong những ngày hội vui, trong những đêm trăng sáng từ bao đời nay đã trở thành chiếc cầu bắc nhịp yêu thương cho các đôi trai gái đất Mường. Trong điệu thường đang, bọ mẹng, những câu hát đều do người hát tự nghĩ, như được vỡ ra từ trái tim để thể hiện tấm chân tình sâu sắc với người đối diện.

Sự sáng tạo và tài ứng trí thông minh của người tham gia hát đã tạo nên những cuộc đối đáp hóm hỉnh, vui tươi. Qua những câu hát khát vọng về tình yêu, khát vọng về tự do được thể hiện, cái tôi trong sáng, nhiệt tình được đề cao.

Với thường đang, bọ mẹng, những người tham gia hát không chia theo nhóm theo đội, mà tuỳ theo đề tài, những người tham gia sẽ lần lượt hát như kiểu tiếp chuyện. Mỗi người một câu và cứ thế cho đến khi cạn chuyện thì cuộc hát sẽ kết thúc.

Già Bùi Văn Miền ở bản Mời Mít (Yên Mông, Hòa Bình) bảo rằng, lời ca, câu hát chính là thế giới quan, nhân sinh quan của người Mường. Thanh niên ngày trước mà hát thường đang, bọ mẹng giỏi là một "lợi thế" để chiếm được cảm tình của các "ún" (em) trong bản. Ở đất Yên Mông này có nhiều người đã lấy được vợ nhờ vào tài đối đáp giao duyên đó, bản thân già Miền cũng nằm trong số này.

Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này đang gặp nhiều khó khăn. Số người còn hát được thường đang, bọ mẹng theo lời ca cổ giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những câu lạc bộ hát thường đang, bọ mẹng tại các thôn bản Mường giờ phần đông chỉ là những người cao tuổi. Tại đây, các cụ đến sinh hoạt, giao lưu với nhau bằng những lời thường đang, bọ mẹng để níu giữ và tìm lại một chút hồn Mường xưa.