Dân Việt

Mỏi mòn đợi nước sạch

06/08/2010 15:26 GMT+7
(Dân Việt) - Đã gần 10 năm triển khai Chương trình nước sạch nông thôn (2001-2010) nhưng đến nay nhiều vùng nông thôn của Hải Phòng với khoảng 30 vạn người dân đang mỏi mắt chờ trông nguồn nước sạch.

Nghịch lý các công trình nước sạch

Đến thời điểm này, tỷ lệ nông dân nông thôn Hải Phòng được dùng nước sạch chiếm khoảng 80% dân số cùng khu vực. Như vậy, vẫn còn 20%, tương đương với khoảng 30 vạn dân sống ở vùng nông thôn chưa có nước sạch để dùng. Đây là số liệu báo cáo, còn con số thực tế chắc sẽ còn lớn hơn, bởi ngay cả nguồn nước được coi là… nước sạch do một số nhà máy nước mini sản xuất bán cho nông dân, cũng chưa đạt tiêu chuẩn.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi năm ngân sách thành phố đầu tư 2,5-3 tỷ đồng cho Chương trình nước sạch nông thôn. Với số kinh phí hạn hẹp này, chỉ đủ xây dựng 7-8 hệ thống cấp nước tập trung quy mô nhỏ, trong khi gần 70% dân số Hải Phòng lại sống ở vùng nông thôn. Chính bởi vậy, Hải Phòng đã chỉ đạo mô hình xã hội hoá công tác cấp nước sạch bằng cách kêu gọi, vận động các tập thể, cá nhân bỏ vốn đầu tư.

Chỉ tính riêng từ năm 2003 đến nay, tổng mức đầu tư cho Chương trình nước sạch nông thôn theo mô hình xã hội hoá đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Bằng cách này, ở một vài địa phương cũng đã có được những kết quả bước đầu. Điển hình như Công ty TNHH Trang Anh đã đầu tư 520 triệu đồng xây dựng nhà máy và lắp đặt đường ống nước đến tận hộ dân ở xã Tân Viên, huyện An Lão. Tuy nhiên, những mô hình nói trên có quy mô nhỏ, chỉ đủ cung cấp từng xóm hoặc từng vùng trong xã.

Đáng nói, tại một số mô hình nước sạch nông thôn được xã hội hoá, đến nay doanh nghiệp vẫn lúng túng, hoạt động không hiệu quả. Nhiều công trình xây xong bỏ đấy do người dân không mặn mà với việc… mua nước(!?). Chưa kể, có công trình đưa vào sử dụng, nguồn nước mới chỉ hợp vệ sinh, chứ chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch.

Khắc phục thế nào?

Theo ông Nguyễn Đình Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hải Phòng, Chương trình nước sạch nông thôn của địa phương mặc dù được thực hiện theo lộ trình đã được vạch ra, song đang đứng trước hàng loạt những khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn và thứ đến là hình thức đầu tư.

Có một thực tế, do nguồn vốn ngân sách cấp ít ỏi, lại nhỏ giọt, nên có những công trình cấp nước được đầu tư bằng 100% vốn nhà nước luôn bị chậm tiến độ hoặc dở dang. Trong khi, công trình cấp nước xã hội hoá, vì còn phải vận động, kêu gọi nên mất thế chủ động. Nếu cứ tình trạng này, sẽ khó đảm bảo được mục tiêu sử dụng nước sạch mà mục tiêu thành phố đã đề ra.

Bởi vậy, theo ông Hạnh, không thể khác là thành phố phải "cầm chịch" giải quyết dứt điểm những khó khăn này. Ngoài ra, đối với những công trình nước sạch đã được xây dựng, cần phải khai thác thật hiệu quả, tránh để lãng phí nguồn vốn đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp. Riêng chính quyền cấp cơ sở ở các vùng nông thôn cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để nông dân sử dụng nước máy, nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

Thêm 65,27 triệu USD cho Dự án cấp nước sạch nông thôn

Ngân hàng Nhà nước vừa ký với Ngân hàng Thế giới (WB) Hiệp định Tài trợ bổ sung và các văn bản pháp lý liên quan để bổ sung 65,270 triệu USD cho Dự án "Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng" vay vốn của WB. Mục tiêu của Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của người dân nông thôn; nâng cao hiểu biết, nhận thức cho người dân về sử dụng nước sạch; nâng cao năng lực cộng đồng trong việc xây dựng, quản lý các công trình cơ sở hạ tầng cấp nước.