Các đại biểu trao đổi bên lề đại hội nội bộ sáng 5- 8. |
Sốt ruột chuyện bầu bán
Sáng 5-8, Đại hội nội bộ của Hội Nhà văn VN diễn ra cực kỳ sôi nổi. Chủ đề chính là giới thiệu nhân sự bầu cử vào Ban chấp hành (BCH) mới, còn phần cho tham luận thì sẽ để sau, nhưng ngay từ ngoài sảnh đã có rất nhiều các ý kiến “trữ tình ngoại đề” hết sức rôm rả và trong hội trường, chủ toạ phải vất vả điều hành.
Nhà văn Trung tướng Hữu Ước trên Đoàn chủ tịch liên tục phải nhắc nhở các ý kiến đi vào chủ đề chính. Khi một đại biểu chưa nói hết, nhiều cánh tay khác đã giơ lên đề nghị và “đòi” được phát biểu. Có những người đợi mãi vẫn chưa đến lượt mình do bị người khác “tranh” micrô hoặc “chen ngang”. Những ai nói hơi dông dài một chút, lập tức “bị” hội trường vỗ tay yêu cầu chốt lại.
Về việc tự ứng cử, nhà văn Triệu Lam Châu yêu cầu, ai ứng cử phải lên diễn đàn, nói chương trình hoạt động của mình như thế nào, chứ không được ứng cử trên giấy. Về chuyện đề cử, nhà thơ Võ Sa Hà nói: Ai không thích vào BCH thì cho rút, và chỉ nên bầu một lần, lấy từ cao xuống thấp chứ bầu đến 3 lần thì rất phiền.
Hãy để thời gian làm việc khác... Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng cho rằng bầu cử phải gọn và khoa học. Ông đã dự nhiều lần đại hội nhưng đều thấy mất quá nhiều thời gian về tổ chức mà không được bàn về chuyện đổi mới văn chương, về “tai nạn” văn chương, không đưa được ra những kiến nghị của giới văn chương với nhà nước.
Không khí ồn ào và bàn luận quá lâu quanh việc bầu cử khiến cho nhà thơ Trần Mạnh Hảo phải đứng phắt lên, nói không cần micrô, rằng đây có phải đại hội nhà văn không, tại sao cứ tập trung vào bầu cử quan chức mà không bàn việc văn chương?
Khi có micrô, do có phần hơi “quá khích” khi phản bác việc nhà văn Hữu Ước ngồi Đoàn chủ tịch điều hành đại hội, nhà thơ Trần Mạnh Hảo bị cắt micrô. Ông lên thẳng bục sân khấu để nói và micrô lại tiếp tục bị cắt. Rất nhiều đại biểu sốt ruột bỏ ra ngoài ăn bánh, uống sữa, chụp ảnh và tặng nhau tác phẩm…
Câu hỏi lớn chờ lời đáp
Thực ra kỳ đại hội nào của Hội Nhà văn VN cũng vậy, bầu cử luôn là chuyện nóng nhất. Và do có nhiều băn khoăn, bức xúc nên hôm qua nhiều người đều muốn nói cho “hết nhẽ”. Các nhà văn, nhà thơ đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu như những tiêu chí, và cũng nhân đó, “phàn nàn” luôn về hoạt động Hội. Nhà văn Phạm Thi Minh Thư nói, sau Đại hội nhiệm kỳ VII, nhiều người hy vọng và thấy có 3 gương mặt “trẻ” trong BCH, nhưng rồi hết một nhiệm kỳ vẫn có nhiều ỳ xèo như đại hội trước.
Lần này phải suy nghĩ thật kỹ, uy tín, văn tài là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là cần người biết quản lý, điều hành. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng, những người vào BCH phải là cầu nối cho hội viên đi sáng tác, tạo điều kiện cho các nhà văn được in tác phẩm. Bà nhấn mạnh: “Đề nghị đại hội thực sự khuyến khích những người có tài, có tâm và có sức khoẻ vào BCH”.
Nhà thơ Vi Thuỳ Linh là hội viên trẻ nhất, trước đó đã đi phát cho nhiều đại biểu một danh sách 19 người do cô tự soạn với nhan đề: “Danh sách nhân sự cần chú ý”. Cô yêu cầu, BCH phải có những người cấp tiến trong tư duy, có đẳng cấp về nghệ thuật. Hãy bỏ đi quan niệm về tuổi tác và thâm niên trong nghệ thuật.
Nhà thơ Inrasara thẳng thắn: “Những tờ báo, tạp chí của Hội cần thực hiện được việc phản ánh, tổng kết tình hình văn chương trong nước và quốc tế trong tháng, trong năm, giới thiệu và chấp nhận được những khuynh hướng, trào lưu khác nhau, chứ như hiện nay thì còn nhiều hạn chế quá!”
Quang Hưng