Dân Việt

Trường Sa "mùa ngâu" đoàn tụ

09/08/2010 06:55 GMT+7
(Dân Việt) - Lần đầu tiên, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức cho 35 người vợ ra thăm chồng là cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Nơi đầu sóng đầu gió ấy, những người lính đã được gặp người thân yêu nhất của mình.
img
Tranh thủ làm đẹp trước giờ gặp chồng.

Ở hai đầu nỗi nhớ

Có mặt ở nhà khách Hải quân vùng D để hoà mình vào chuyến đi của những người vợ ở khắp mọi miền đất nước, chuẩn bị cho chuyến hải hành ra thăm chồng ở quần đảo Trường Sa, tôi mới hiểu được tình cảm nhớ nhung giữa đảo và bờ, giữa chồng và vợ. Mặc dù chỉ còn ít ngày nữa là họ được gặp nhau và tuy đã nên duyên chồng vợ hàng chục năm, đã quá quen hơi bén tiếng, thế mà nỗi nhớ khiến chẳng ai ngủ được. Các chị, các cô thao thức suốt đêm để đợi ngày gặp mặt.

Cô giáo Nguyễn Thị Anh, 44 tuổi, đang công tác tại Trường Tiểu học Ngọc Xá (Quế Võ, Bắc Ninh), vợ của Thiếu tá Hà Như Lập đang công tác tại đảo Song Tử Tây, nói với chúng tôi: "Mình làm vợ anh ấy cũng đã 20 năm rồi, lấy chồng bộ đội hải quân phải biết chấp nhận vất vả thôi. Hôm anh báo tin trên có chủ trương cho thân nhân cán bộ chiến sĩ ra thăm chồng, con ở ngoài đảo, mình mừng hơn bắt được vàng. Từ hôm đó, mình chẳng thể ngủ được, hồi hộp hơn cả khi làm cô dâu!".

Theo cô giáo Anh thì trước đây, lần nào gặp chồng cũng là khi anh nghỉ phép về thăm. Lần này ra tận đảo thăm chồng, cứ nghĩ đến lúc gặp nhau là trống ngực cứ đập thình thịch như ngày đầu tìm hiểu. Chị Anh bị cắt ngang dòng tâm sự bởi tiếng chuông điện thoại. Chồng chị gọi. Giọng anh vừa hồi hộp, vừa xen lẫn một chút âu lo. Anh tếu táo động viên chị: "Cậu yên tâm! Đi chuyến này sóng nhẹ như Hồ Tây thôi! Không sợ say đâu! Nhớ mang cho tớ can cà muối và trăm trứng vịt lộn để làm giống nhé! Cả đêm qua tớ cũng không ngủ được, mấy ngày nay đám bọn tớ có vợ ra đợt này đều mắc hội chứng mất ngủ đấy!".

Mặc dù không còn ở cái tuổi ngượng ngùng nữa, nhưng chị Anh vẫn giữ vẻ bẽn lẽn của người con gái Bắc Ninh: "Vâng em biết rồi! Em cũng vậy, hồi hộp lắm! Anh nhớ giữ sức khoẻ, chịu khó ăn ngủ cẩn thận, mấy ngày nữa em ra nếu ốm là bị… phạt đấy!". Gác máy quay sang tôi chị nhìn đồng hồ và phân trần: "Mới 6 giờ sáng thế mà đã là cuộc điện thoại thứ 6 của bọn mình rồi đấy!".

Cứ tưởng chỉ có vợ chồng nhà Anh- Lập mong ngóng nhau như hồi son trẻ, ai ngờ những bà vợ cùng đi trong đoàn cũng ríu rít suốt với chồng. Cách xa nhau hàng trăm hải lí nhưng họ như những đôi sam cứ quấn lấy nhau không chịu rời ra. Cô giáo Huyền Trang quê Bắc Giang, đợt này cũng ra thăm chồng là Thượng uý Kiên ở đảo Len Đao, kể: "Từ hôm em vào nhà khách, hai vợ chồng em đã lạc cả giọng vì trò chuyện với nhau. Bây giờ, nói cứ khàn khàn. Không biết, mấy hôm nữa có khỏi không, chứ gặp chồng mà giọng khàn như vịt đực thì làm sao kể chuyện các con, cha mẹ ở quê cho anh ý nghe được!". Theo cô giáo Huyền Trang, đây là lần đầu tiên cô đi biển nên cũng có nhiều lo lắng. Tuy nhiên, sự lo lắng ấy chẳng thấm vào đâu khi nghĩ đến giây phút được gặp chồng ở nơi trùng dương xa tắp.

Vượt biển ra thăm chồng đợt này cả đoàn có 35 chị em. Tuy tuổi tác, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều mang một nỗi nhớ vô bờ bến.

Tranh thủ làm đẹp

Sở dĩ 35 chiến sĩ, cán bộ ở Trường Sa được đón một nửa của mình là bởi họ có những thành tích xuất sắc trong rèn luyện, học tập và sẵn sàng chiến đấu.

Khác hẳn với những chuyến đi cuối năm, bao giờ cũng có những giọt nước mắt nhớ thương lưu luyến khi đưa tiễn, trong chuyến công tác này những vị khách đặc biệt ra thăm quần đảo Trường Sa đều vui vẻ cười nói râm ran. Sự sôi nổi ấy chỉ bị tạm lắng khi con tàu HQ 996 nhổ neo rời bến. Đa số chị em đều đi biển lần đầu nên có chút váng vất bởi cái món "đặc sản" say sóng. Tuy nhiên, khi nghe sĩ quan điều hành thông báo, chỉ còn khoảng 2 giờ nữa là tàu sẽ thả neo ở đảo Song Tử Tây thì dù đang vật vã với sóng biển, chẳng ai bảo ai, mọi người đều bật dậy.

Ngồi ôm bộ quần áo đợi đến lượt vào nhà tắm, chị Hoàng Thi Châm (quê Tiên An, Yên Hưng, Quảng Ninh) pha trò: "Mấy hôm nằm trong phòng sóng đánh nẫu cả người. Ra đến nơi cũng phải tắm táp cẩn thận, chải lại mớ tóc, chứ không lên đến đảo mà đồng chí chồng không nhận ra, thì hỏng hết bánh kẹo!". "Gột rửa bụi trần" xong, chị nào cũng hí hoáy mang phấn son ra trang điểm. Tuy cùng là dâu lính đảo, chỉ gặp nhau lần đầu, nhưng mọi người đã tư vấn cho nhau cách làm đẹp. Nói cười rổn rang, vui đáo để.

Tàu mới thả neo, chị nào chị ấy đứng ngồi không yên. Bao nhiêu cảm giác mệt mỏi bay đi đâu mất khi họ nhìn thấy những bóng áo trắng thân yêu của mình đang đứng ở đầu cầu cảng.

(Còn nữa)