Dệt thổ cẩm của bà con Cơtu,thôn Zơ Ra. |
Cả bản tự cứu mình
Có một thời gian dài, cuộc sống của 57 hộ đồng bào Cơtu ở thôn Zơ Ra, xã Tà Bhing, Nam Giang luôn trong tình trạng thiếu đói. Tuy nhiên điều đó bây giờ đã không còn nữa. Chị Nguyễn Thị Kim Lan- Chi hội thôn Zơ Ra nghĩ phải tìm hướng làm ăn khác cho mình và bà con. Sau nhiều đêm trăn trở, chị thấy nghề dệt vải thổ cẩm từ bao đời nay của đồng bào Cơtu tuy ít nhiều bị mai một, nhưng nếu biết cách khơi dậy sẽ là một "lối thoát" cho bản làng.
Hội ND xã Tà Bhing ủng hộ ý tưởng này và đứng ra bảo lãnh, tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện cho các hộ vay vốn khôi phục nghề truyền thống. Ban đầu khi mới thành lập nhóm dệt, nhiều người tham gia nhưng cũng không mấy tin rằng nghề này sẽ "sống" lại sau một thời gian dài bị quên lãng. Chị động viên bà con làm. “Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, nhiều nơi còn có đơn đặt hàng trước" - chị Lan kể.
Bà con quyết định đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, mua sắm thêm khung cửi, máy may và nguyên vật liệu. Từ chỗ nhóm chỉ có 20 thành viên, với 20 khung dệt, nay đã tăng lên 38 thành viên, trong đó có 30 thợ dệt, 8 thợ may, với 30 khung dệt, 9 máy may, 2 máy vắt sổ.
Sản phẩm cũng được đa dạng với 30 loại khác nhau. Mới đây, bà con vừa nhận được 1 đơn đặt hàng của Úc, với 750 sản phẩm. Cái khung dệt đã mang lại cho những ND này xấp xỉ 1 triệu đồng/tháng. Với đồng bào Cơtu đây là số tiền không nhỏ.
Muốn làm người có ích
Xuất ngũ với hai bàn tay trắng, giờ đây, anh Bùi Quang Trung (SN 1961), ở Cẩm Phô, Hội An, đã sở hữu một cơ sở in thêu thủ công với hàng trăm công nhân, một vườn cây cảnh rộng hàng ngàn m2, thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2006, anh vay vốn ngân hàng và đi học hỏi kinh nghiệm về mở cơ sở in, thêu trên các loại áo thun, áo quần tơ lụa, khay đĩa… để bỏ mối cho các đại lý chuyên phục vụ khách du lịch. Không ngờ, sản phẩm của anh hợp thị hiếu khách hàng, làm ra đến đâu là tiêu thụ hết đến đó. Anh mạnh dạn hỗ trợ vốn cho các đại lý chấp nhận tiêu thụ sản phẩm của cơ sở anh. Đến nay, anh đã có 40 đại lý ở Hội An, Đà Nẵng và Huế.
Chuyện kim chỉ, thêu thùa vẫn không làm nhạt "máu" ND trong anh. Anh vẫn "ghiền" cây cối. Anh cho biết: “Tôi vừa làm cây bon - sai vừa trồng hoa, hoa cảnh phục vụ Tết. Cây cảnh bon- sai là để lâu dài vì nó kén khách mua, còn cây, hoa cảnh Tết theo vụ mùa để thu vốn, lấy lời ngay trang trải, phát triển cơ sở”. Bằng cách làm này, đến nay, cơ sở trồng hoa, cây cảnh của anh 4.500m2 với gần 1.000 chậu mai cổ thụ, mai bon - sai, sanh bon - sai. Anh hồ hởi: “Đó chỉ là "phần cứng", còn thời vụ Tết tôi trồng hơn 2.000 cây hoa ly ly Hà Lan, quất và cúc!
10 năm song hành cùng làm kinh tế, anh rất nhiệt tình trong công tác Hội ND, tham gia cấp uỷ tại chi bộ địa phương. Anh bảo rằng, mình làm giàu là để nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng lớn hơn là có ích cho xã hội.
Giỏi việc nhà, đảm việc Hội
Từ khi làm Chi hội trưởng ND, anh Nguyễn Văn Kiệt (thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, Điện Bàn), suy nghĩ: "Trước kia mình sao cũng được, bây giờ phải làm tốt hơn nữa, bà con mới nể phục, tín nhiệm". Anh mạnh dạn thuê 1,5ha đất trồng lúa không hiệu quả để làm trang trại. Anh nhờ Hội ND xã giúp vay vốn ưu đãi. Có tiền trong tay, anh làm 1 ao ươm giống, 4 ao nuôi, thả cá tràu, cá rô, ếch lồng. Trên các ao, anh làm chuồng nuôi heo bán công nghiệp. Cái đất đó, vào tay anh cho nhiều tiền. Cá, ếch, heo đều đặn mang lại cho anh lãi ròng mỗi năm 100 triệu đồng.
Bà con quý anh còn vì anh nhiệt tình trong công tác Hội. Năm 2009, anh cùng các đoàn thể trong thôn vận động người dân địa phương đóng góp trên 500 triệu đồng để xây nhà sinh hoạt văn hoá thôn; bia tưởng niệm liệt sĩ. Trong phong trào văn hoá, thể thao, vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, anh Kiệt luôn đi đầu. Thôn Đông Hòa 7 năm liền là thôn Văn hoá cấp huyện, tỉnh có phần đóng góp của anh Kiệt.
Công Nguyễn - Hoàng Đạo -Công Xuân