Dân Việt

Người đẹp Biển mới biết... bơi

09/08/2010 11:40 GMT+7
Với làn da nâu khỏe mạnh, Nguyễn Thị Loan đã khiến nhiều người phải trầm trồ về vóc dáng của mình. Và cũng khá thú vị khi được biết rằng, vì bị cấm từ nhỏ nên Người đẹp Biển mới học và biết bơi cách đây vài tháng.
img

Ngày 8-8, cô Nguyễn Thị Nguyệt, mẹ Loan, mới có điều kiện đến thăm và chúc mừng con gái trong khoảng thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi trước khi Loan trở lại luyện tập vẽ tranh trên nón lá để tham dự cuộc thi Người đẹp Tài năng.

“Tôi cho con dự thi Hoa hậu với mong muốn để con cọ xát, biết giao tiếp với xã hội, không ngờ con trở thành cô gái may mắn nhất trong 37 thí sinh để giành danh hiệu Người đẹp Biển”, cô Nguyệt tâm sự.

Tin Loan trở thành Người đẹp Biển đang xôn xao khắp xã Hồng Châu (Đông Hưng, Thái Bình). Bố Loan, ông Nguyễn Xuân Duệ liên tục điện thoại hỏi thăm, nhắn gửi những lời chia sẻ của gia đình, họ hàng, làng xóm tới Loan. Máy điện thoại của Loan và mẹ liên tục đổ chuông, nóng hổi bởi những tin nhắn, cuộc điện thoại chúc mừng.

'Người đẹp Biển' chưa một lần yêu…

Đêm đăng quang 'Người đẹp Biển' (7-8), Nguyễn Thị Loan đứng đó, giữa sân khấu không còn bóng người, không bố mẹ, không người thân nào ở bên. Hỏi “Sao người yêu không đến?”, lau vội ngấn nước trên mi mắt, Loan trả lời hồn hậu: “Chắc tại em cao quá nên chưa có bạn trai nào dám tiếp cận”.
 

Gia đình khó khăn, bố mẹ đều làm nông. Thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ nên từ những ngày học tiểu học, Loan đã xuống đồng làm cỏ, cấy lúa cùng mẹ. “Cháu rất biết nghĩ cho bố mẹ, không bao giờ đòi hỏi, tự giác làm việc nhà, việc đồng áng. Luôn nỗ lực từ những việc nhỏ nhất trong học tập, sinh hoạt”, mẹ Loan nói.

Vì nhà nghèo khó, Loan xin bố mẹ cho đi làm thêm từ năm 13 tuổi. Loan chia sẻ: Tranh thủ những ngày nghỉ hè năm học lớp 6, lớp 7, em mày mò học thêu ren, nhận làm gia công sản phẩm thêu ren xuất khẩu. Loan bảo, lấy công làm lãi, có được mấy trăm nghìn một tháng là mừng lắm rồi.

Tuổi thơ của Loan êm đềm bên cánh đồng lúa với những trò chơi con trẻ. Vì bị cấm từ nhỏ nên Người đẹp Biển mới học và biết bơi cách đây vài tháng.

14 tuổi xa nhà

Ít ai biết, cô gái quê lúa rắn rỏi, mạnh mẽ, thích chơi môn thể thao dành cho phái mạnh lại thường… khóc nhè. Đó là những ngày đầu Loan xách balô lên Hà Nội, gia nhập đội tuyển bóng chuyền Quân chủng Phòng không Không quân, vừa học văn hóa vừa tập chơi bóng. Thủ đô lạ lẫm, bạn bè chưa có, hai tuần đầu Loan nằm khóc vì thấy tủi thân, nhớ nhà, nhớ bố mẹ. “Em chỉ muốn bỏ về, bỏ dở đam mê bóng chuyền”, Loan tâm sự.

Từng nhiều lần gạt nước mắt vì thương con, nhưng mẹ Loan vẫn động viên con gắng ở lại. Loan noi gương chị Phạm Thị Kim Huệ, VĐV bóng chuyền tuyển quốc gia, đồng hương huyện Đông Hưng đồng thời là thần tượng của cô, nên quyết tâm ở lại tập luyện.

Khổ luyện trên sân, bao lần bị ngã, đau cơ, chấn thương đầu gối, nhưng Loan nỗ lực từng ngày để được thi đấu chính thức. Bạn bè nhìn thấy ở Loan ý chí vươn lên mạnh mẽ.

“Tập bóng chuyền quá khó, dù em đã có năng khiếu và thế mạnh chiều cao. Mới đầu em chỉ bật được tay với lên 2,6 mét, trong khi phải bật lên mức 2,9 mét mới đánh được bóng nên em mất cả năm trời tập nâng cao thể lực bằng việc nâng tạ, chạy nhanh, chạy sức bền”, Loan chia sẻ.

Sau năm rưỡi luyện tập, Loan được vào đội tuyển chính thức, thi đấu liên tiếp bốn giải và góp phần giúp đội bóng quân đội giành Huy chương đồng giải bóng chuyền Thủ đô năm 2007…

Đỗ ĐH sau 4 tháng ôn luyện

Đang là tài năng trẻ bóng chuyền nữ của đội bóng quân đội, Loan đột ngột nói câu giã từ với quyết định xin ra quân. Khi đó Loan đã có 4 năm là chiến sỹ. “Em nghĩ mình không thể gắn bó lâu với bóng chuyền. Năm đó em học xong văn hóa lớp 12 nên muốn tập trung thi ĐH”, Loan nói.

Tháng 2-2008 ra quân, trong khi tháng 7 Loan bước vào kỳ thi ĐH, nghĩa là chỉ còn 4 tháng ôn luyện. “Những ngày ôn thi gần như em thức đêm triền miên. Thi khối A, nhưng môn Hóa em rất kém. Trước đó, mỗi ngày em chỉ học văn hóa trong thời gian từ 18 giờ đến 20 giờ”, Loan kể.

Kỳ thi năm đó Loan được 6,5 điểm môn Hóa và tổng điểm 3 môn đủ vào khoa Kinh tế, ĐH Thương mại. Nay ở tuổi 20, Loan sắp bước sang năm học thứ 3 và ấp ủ ước vọng trở thành nhà quản lý kinh tế giỏi. 

Quan niệm điều đáng quý nhất trong cuộc sống là tình yêu thương, nên Loan tích cực tham gia các hoạt động xã hội như hiến máu nhân đạo, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở làng trẻ em Birla (Hà Nội), cùng nhóm tình nguyện Smiling Heart chia sẻ nụ cười với em nhỏ ở trại trẻ mồ côi Ba Vì. Loan cho biết cô dự thi Hoa hậu Việt Nam 2010 cũng để có thêm cơ hội được tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xã hội.  
Theo Tiền phong