Dân Việt

Tự tử theo... phong trào

16/04/2013 06:54 GMT+7
(Dân Việt) - Từ 2008 đến nay, tại 3 huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh xảy ra 101 vụ tự tử, làm chết 77 người... Tình trạng tự tử của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định trong báo động đỏ.

 Huyện có 12 người “muốn chết”/năm

Huyện miền núi An Lão được nhìn nhận là địa phương xa xôi, khó khăn nhất tỉnh Bình Định, với khoảng 70% cư dân là người Hrê. Nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt đã được đầu tư cho An Lão, đã có sự thay đổi tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Vậy mà mấy năm nay tại đây bỗng rộ lên vấn nạn tự tử.

img
Đám tang một người dân chết do tự tử ở An Lão (Bình Định).

Thống kê của UBND huyện An Lão, từ năm 2001 - 2010, trên địa bàn huyện xảy ra 128 trường hợp tự tử, làm 53 người chết. Năm 2011, có 5 người chết vì tự tử; năm 2012 có thêm 2 người chết vì nguyên nhân này, chưa tính các trường hợp được cứu sống. Đầu năm nay đã xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người. Bình quân, mỗi năm An Lão có khoảng 12 người có hành vi tự tử. Các vụ tự tử của người Hrê đều xuất phát từ lý do hết sức “thường tình”, như buồn bực gia đình, bạn bè, chòm xóm, “nói mãi mà chồng (vợ, con) không nghe”, “thấy bạn có xe mà mình không”… Ngày 27.12.2012, chị Đinh Thị Y (20 tuổi, đang mang thai 4 tháng, ở xã An Hưng) đi làm về thấy chồng đánh bida, sang gọi mấy lần chồng không chịu về, thế là Y lặng lẽ lấy thuốc trừ sâu uống để tự tử, may mà mọi người phát hiện, kịp thời đưa đi cấp cứu.

Với trường hợp cán bộ Đinh Văn Hùng - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã An Quang, lý do tự tử còn “khơi khơi” hơn nhiều. Đó là đêm 27.4.2009, sau khi ăn cưới về, ông Hùng lên giường nhưng khó ngủ. Bảo vợ tắt ti vi đi ngủ nhưng vợ không nghe. Vậy là ông âm thầm kiếm dây thừng, ra sau vườn treo cổ chết, khi người nhà phát hiện thì đã muộn…

Ở huyện Vĩnh Thạnh, 3 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 5 vụ tự tử, tổng hợp 4 năm gần đây, có 37 vụ với 36 người “tự chết”. Gần nhất, sáng 29.1, hàng xóm phát hiện bà Đinh Thị Bất (45 tuổi, ở làng Suối Cát, xã Vĩnh Sơn) chết do treo cổ. Trước đó, bà Bất đã nhiều lần khuyên giải mà con trai không chịu làm ăn, chỉ “chăm” uống rượu rồi quậy phá; giận quá, bà tìm đến cái chết.

Tại huyện Vân Canh, UBND huyện này cho biết: Từ năm 2008 đến cuối tháng 3.2013, đã xảy ra 22 vụ tự tử, làm chết 19 người. Có vụ cả vợ chồng cùng chết như ở làng Cát (xã Canh Liên) ngày 22.6.2012. Tối đó, anh Đinh Văn Rứt uống rượu về bị vợ (Đinh Thị Thúy) càm ràm cho là “vô trách nhiệm”. Anh Rứt cãi lại thì xảy ra cãi vã lớn. Tức chồng, chị Thúy tìm đến cái chết bằng thuốc trừ sâu. Tỉnh rượu, anh Rứt hối hận cũng treo cổ chết theo…

Cơ quan chức năng lúng túng

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho hay, chuyện tự tử trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Bình Định đã xảy ra cách đây từ nhiều chục năm. Trước đây, chỉ vài trường hợp người già neo đơn hoặc những người bị bệnh hiểm nghèo, tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Riêng vài năm nay, tự tử đã thành “phong trào”, để lại nỗi đau khó nguôi cho gia đình, xã hội...

Theo tổng hợp của các cơ quan chức năng Bình Định, từ năm 2008 đến nay, tại 3 huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh đã xảy ra 101 vụ tự tử, làm chết 77 người, 23 người được đưa đi cấp cứu kịp thời. Hầu hết các trường hợp tự tử đều là người dân tộc thiểu số.

Nếu tính trong vòng 10 năm qua thì số vụ tự tử ở 3 địa phương này lên đến vài trăm vụ, đã thành “phong trào”, để lại nỗi đau khó nguôi cho gia đình, xã hội... Ông Phạm Văn Nam - Phó Bí thư Huyện ủy An Lão, cho rằng:

Mâu thuẫn giữa các cá nhân dẫn đến nhiều vụ tự tử, muốn xác định để xử lý là rất khó, thường sau khi vụ việc đã xảy ra mới nắm bắt được. Đồng bào dân tộc thiểu số sống rất thẳng thắn, bộc trực, có lòng tự trọng cao. Khi bị xúc phạm, gặp chuyện “không ưng cái bụng” hoặc bị xấu hổ mà không giải quyết được, họ sẽ “tự xử” bằng tự tử.

Theo nhận định của Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định, một số người dân tộc thiểu số ở đây gần như không có thói quen chia sẻ, bộc bạch những vướng mắc, tâm tư với cộng đồng để tìm sự chia sẻ, cảm thông; mức độ đoàn kết trong cộng đồng đồng bào đang có sự rời rạc, thiếu sự quan tâm lẫn nhau; vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có nơi còn mờ nhạt; mức độ hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin còn thấp…

Trong tháng 3.2013, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định đã tổ chức 3 cuộc hội thảo về vấn đề này tại An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh. Dự kiến, ngày 25.4 tới đây, một hội thảo về vấn đề này sẽ được tỉnh Bình Định tổ chức tại TP.Quy Nhơn. Thực tế, các cơ quan chức năng ở Bình Định đang hết sức lúng túng trong việc tìm giải pháp để đẩy lùi vấn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số, khi vấn nạn này tiếp tục chiều hướng gia tăng…