Năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên 23 tuổi Nguyễn Hà Long đã vượt qua vĩ tuyến 17 vào chiến trường Quảng Ngãi, Bình Định. Đơn vị ông lúc đó hành quân với tư cách là tiểu đoàn nhỏ lẻ, ông tham gia thực hiện nhiệm vụ đánh phá ấp chiến lược, chống càn, diệt viện, phục kích…
Ông Nguyễn Hà Long - người đào hầm thoát khỏi nhà tù Phú Quốc năm xưa |
Tháng ngày gian khổ
Tháng 12.1964, đơn vị ông Long giải phóng hoàn toàn quận An Lão, Bình Định. Địch bị mất vùng giải phóng lớn nên vội vàng tung lực lượng để giành lại. Ông Long hồi tưởng: “Ở trận Tam Quan (Bình Định), đối đầu với đông đảo kẻ thù, chúng tôi đánh tập kích nhưng không thành công do không nắm được địa hình, bị hạn chế trong chiến đấu bởi vũ khí lạc hậu.
Mặt khác, địch lại có lớp trong, lớp ngoài, huy động đến 3-4 tiểu đoàn làm rào cản nên chúng tôi tập kích từ 21h30 đến 6h hôm sau mà vẫn không giành được thắng lợi.
Trong trận đánh đó, tôi bị trọng thương, gãy chân phải, gãy tay phải. Thời điểm ấy, đơn vị đang bị tổn thất nặng nề nên không đưa tôi ra ngoài được. Tôi bị bọn ngụy bắt đưa về Pleiku. Sau đó, chúng đưa tôi vào bệnh viện điều trị, tiến hành mổ cắt, băng bột. Khi nằm viện chúng vẫn còng tay, dọa dẫm để lấy khẩu cung, khai thác thông tin”.
Nhớ về những ngày tháng gian khổ đó, ông Long bồi hồi: “Khi vết thương ổn một chút, chúng đưa tôi về Sài Gòn, giam giữ tại nhiều nơi như Trại cây me, Trại Lê Văn Duyệt… Tại đây, tôi và nhiều anh em khác phải chịu nhiều hình thức tra tấn dã man như chày gồi, tay thước, dìm nước... Một thời gian sau, chúng nhốt tôi gần như 24/24, không được ra ngoài”.
Đến tháng 10.1965, địch chuyển ông Long về trại giam Hố Nai, Biên Hòa nhưng vẫn không khai thác được thông tin gì. Tiếp đó, đến tháng 10.1967, chúng đưa ông ra trại giam B2 trên đảo Phú Quốc. Tại đây, bằng trí thông minh cùng với tinh thần đoàn kết của các anh em, chiến sĩ, ông là người khởi xướng cuộc khoét hầm, vượt ngục đầu tiên, đưa các cán bộ cách mạng đào thoát thành công khỏi chốn "địa ngục trần gian".
Cuộc đào thoát vĩ đại
Dưới những đòn tra tấn dã man của địch từ những năm 1965 - 1966, ông Long cùng nhiều anh em tù binh trại giam B2 bị bệnh lao nên chúng dồn tất cả vào trại 13, 14 khu lao của nhà tù Phú Quốc. Tại đây, vì bọn địch rất sợ lây nhiễm bệnh nên sự canh gác được nới lỏng hơn một chút.
Tận dụng thời cơ đó, cộng với sự có mặt của các anh em đã có kinh nghiệm đào hầm nhưng chưa có cơ hội thành công ở trại giam Đà Nẵng vào, ông cùng các đồng chí đã tâm sự, tìm hiểu và cuối cùng đi đến kết luận, đất Phú Quốc có thể đào hầm vượt ngục được.
Ông Long (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng đội bị địch bắt tù đày. |
Từng trang nhật ký ố màu của cựu tù Nguyễn Hà Long ghi rõ: “Chúng tôi lên kế hoạch về phương thức đào và dụng cụ đào, chuẩn bị cà mèn rộng khoảng 25cm, chiều ngang 14cm, cắt ra làm dụng cụ đào, dùng ống quần hoặc tận dụng những gì có thể làm túi đựng đất. Về nhân lực, lúc đầu chúng tôi có 6 người tiến hành đào hầm, về sau có tổng cộng là 13 người thay phiên nhau đào, cứ 3 người 1 ca.
Quá trình đào hầm rất chậm, mỗi đêm chỉ đào được từ 3 - 4m. Ban đầu, chúng tôi tiến hành thử nghiệm, thấy gió của biển thổi vào làm cho đất se lại và có màu giống nhau nên vừa đào, vừa lôi đất rắc đều lên phần đất tự nhiên để che mắt quân địch.
Hầm mỗi ngày một dài, lượng đất đưa lên nhiều, lợi dụng việc đào hố tiểu cho tù nhân, chúng tôi đã báo với bọn lính cho đào lại hố vệ sinh. Nhân lúc bọn quân cảnh và giám thị không vào kiểm tra, anh em nhanh chóng đào và đưa lên được gần 6 khối đất tạo được hố sâu dài 2,2m, rộng trên 1,5m. Số đất đó chúng tôi đem ra sân công khai vất, sau đó lấy gỗ sạp lấp lại ngụy trang, chỉ để lại một hố vệ sinh nho nhỏ”.
Theo tổng kết, sau cuộc đào hầm vượt ngục do ông Nguyễn Hà Long khởi xướng ngày 20.1.1969, mặc dù địch đã láng xi măng lên nền nhà tù nhưng vẫn có 14 đường hầm ra đời. Tiêu biểu như đường hầm C4 của đồng chí Hòe là thành công nhất về số người lên được là 42 người.
Một đường hầm nữa gần như bị lộ cho nên tranh thủ chỉ lên được có 2 người. Còn 11 đường hầm về sau cũng đào ở nhiều trại khác nhau nhưng không thành công vì kẻ địch dùng âm mưu cứ 3 - 4 tháng lại chuyển tù nhân từ trại nọ sang trại kia nên các đường hầm bị bỏ dở, không bàn giao lại cho nhau được. Có những đường hầm bại lộ khiến nhiều chiến sĩ bị địch chôn sống ở dưới hầm.
Ông Long cho biết: "Quá trình tổ chức đào hầm rất chặt chẽ và phải tuyệt đối giữ bí mật. Do đó, anh em nào có nhiệm vụ xuống đào hầm không được mặc quần áo để khi lên trên không bị dính bùn đất. Cuộc đào thoát với sự tính toán rất công phu, tổ 3 người được phân công nhiệm vụ rõ ràng.
Một người đằng trước móc đất vun qua hai nách đưa từng ít một về đằng sau. Người thứ 2 cho đất vào trong bao. Người thứ 3 chuyển đất vào những chỗ quy định sẵn. Đường hầm đào chỉ vừa đủ cho một người đi để tiết kiệm thời gian".
Được biết, đường hầm dưới lòng nhà tù Phú Quốc được làm an toàn, chống mưa, chống sập, có độ sâu tối thiểu là 1,5m, đoạn đi qua đường xe của địch ngoài hàng rào sâu đến hơn 2m. Theo lời kể của ông Long, đường hầm hoàn thành trong thời gian gần 180 ngày với độ dài trên 120m. Đơn vị ông lấy ngày 2.9.1968 là ngày khởi công đào hầm và kết thúc vào ngày 19 rạng 20.1.1969.
Thời khắc lịch sử được thoát khỏi ngục tù đối với cựu tù Nguyễn Hà Long là những giây phút không thể nào quên. “Ngày 19.1.1969, chúng tôi xác định phải mở cửa hầm từ khoảng 19 giờ 30 đến 20 giờ, nhưng đào tới 3 giờ 30 sáng hôm sau mới mở được cửa ra.
Người lên đầu tiên thì trời đã gần sáng, tôi là người thứ 8 đi lên thì thấy mặt trời đã lấp ló ở phía đông bãi Ke. Lúc đó, chúng tôi lên được tổng cộng là 21 người, riêng bộ phận đào hầm lên được 7 người, 3 đồng chí ở lại và một số đồng chí khác không kịp lên hết. Đường hầm chúng tôi thoát ra cách bót canh gác của địch khoảng 15m. Khi ra đến nơi, chúng tôi phải bò, phải lách thật khéo để tránh tai mắt của địch”.
Theo lời đồng đội của ông Long kể lại, sau khi ông cùng các đồng chí thoát được ra ngoài thì đến khoảng 7 giờ 30 ngày 20.1.1969, bọn quân cảnh mới phát hiện 21 tù nhân mất tích. Chúng lồng lộn tra khảo bắt mọi người phải khai ra tung tích của những người trốn thoát. Anh em chiến sĩ cách mạng của ta, dù bị địch tra tấn dã man, nhưng vẫn bảo nhau không hé lộ một tiếng nào.