Dân Việt

Đưa ly thân vào... luật

17/04/2013 09:12 GMT+7
(Dân Việt) - Ly thân cũng cần ra toà, chấp nhận hôn nhân đồng tính, muốn đăng ký kết hôn phải có chứng chỉ “đào tạo” về gia đình... là những nội dung được bàn luận tại Hội nghị tổng kết công tác Luật Hôn nhân - Gia đình 2000 do Bộ Tư pháp chủ trì ngày 16.4.

“Bỏ lửng” là căn cứ ly hôn

Theo kết quả tổng hợp ý kiến của Bộ Tư pháp, nhiều góp ý cho rằng, cần phải đưa căn cứ ly hôn vào Luật Hôn nhân- Gia đình sửa đổi. Nếu một bên vợ (chồng) ngoại tình, bị truy nã, bạo lực gia đình hoặc “bỏ lửng” vợ (chồng) trong thời gian dài thì sẽ bị xét là yếu tố lỗi gây đổ vỡ hôn nhân. Đây là căn cứ để toà án xử ly hôn.

img
Nhiều mối quan hệ trong hôn nhân - gia đình hiện đại cần được điều chỉnh (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, luật sư Hà Thanh Vân (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, nếu coi yếu tố “bỏ lửng” là căn cứ ly hôn thì sẽ rất dễ bị lạm dụng, lợi dụng. Cuộc sống hiện đại, rất nhiều người phải tạm xa gia đình để đi mưu sinh nơi xa, đi xuất khẩu lao động. Như vậy, rõ ràng quan hệ vợ chồng sẽ bị bỏ lửng trong thời gian dài, khó có thể coi đó là yếu tố lỗi. Thế nhưng, bà Vân rất ủng hộ việc tính “yếu tố lỗi” để bảo vệ quyền lợi của những người chịu tổn thương khi ly hôn.

Về tài sản khi ly hôn, không ít đại biểu cho rằng, do việc phân định tài sản chung - riêng, tài sản trước hôn nhân, tài sản thừa kế không rõ ràng, nên khi ly hôn thường bị “đánh bùn sang ao”, gây thiệt thòi cho phía có tài sản nhiều hơn hoặc không chứng minh được đó là tài sản riêng của mình. Thực tế, nhiều phụ nữ đã ra khỏi nhà tay trắng vì không chứng minh được đóng góp của mình cho gia đình. Vì thế, Bộ Tư pháp đề xuất: “Tài sản riêng có trước khi kết hôn hoặc tài sản được thừa kế riêng, được tặng, cho riêng (do một người đứng tên) mặc dù được đưa vào khai thác, sử dụng chung nhưng không có văn bản thỏa thuận đưa vào tài sản chung thì vẫn là tài sản riêng”.

Ly thân cũng cần ra toà

Ngoài ra, đề xuất sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình cũng đưa một vấn đề mới vào luật: Ly thân. Theo ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp), báo cáo của tỉnh Thanh Hoá cho biết, có đến 90% các vụ ly hôn tại tỉnh đã có thời gian ly thân. Nhiều đại biểu cho rằng, ly thân là vấn đề khá phổ biến của hôn nhân hiện đại. Ly thân xảy ra khi vợ chồng không muốn sống chung với nhau, nhưng lại chưa đến mức phải ly hôn (hoặc chưa thể ly hôn vì những ràng buộc về giáo lý hoặc những lý do khác). Ly thân giúp cho con cái của họ không bị ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, không phải đối diện với sự đổ vỡ, khủng hoảng về tinh thần vì cha mẹ ly hôn, vợ chồng tránh được bạo lực gia đình. Vì vậy, biết đâu trong thời gian ly thân, người ta lại nghĩ lại và quay về chung sống với nhau, gia đình sẽ được bảo toàn.

Theo Bộ Tư pháp, năm 2005 có 55.664 vụ án ly hôn, chia tài sản chung của vợ chồng thì năm 2012 có tới 138.057 vụ ly hôn, chia tài sản.

Phương án đề ra là UBND sẽ có thẩm quyền “cấp phép” ly thân, việc ly thân được ghi chú vào sổ bộ hộ tịch và sổ hộ tịch cá nhân. Nếu có tranh chấp về tài sản và con cái thì việc ly thân sẽ được toà án phân xử như... ly hôn. Tuy nhiên, bà Vân cũng phân tích: “Hầu hết phụ nữ khi ly thân đều không có điều kiện kinh tế để ra ngoài sống chung, vì thế, tiếng là ly thân nhưng vẫn sống cùng một nhà, mọi mâu thuẫn vẫn tồn tại. Thậm chí, bạo lực còn xảy ra nặng nề hơn vì những tổn thương, thù hận trong việc ly thân”.

Ngoài ra, theo ông Hoa Hữu Vân – Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch), Vụ đang xây dựng dự thảo hành động giáo dục tiền hôn nhân dành cho nam nữ độ tuổi kết hôn. Vụ kiến nghị cần đưa quy định: “Nam nữ muốn đăng ký kết hôn phải học một lớp tập huấn các kiến thức về gia đình, sức khoẻ sinh sản, được cấp “chứng chỉ” và có giấy khám sức khoẻ tổng quát”. “Điều này sẽ nâng cao chất lượng dân số và kiến thức gia đình cho các cặp vợ chồng trẻ để xây dựng và bảo vệ tình cảm trong gia đình” - ông nhấn mạnh.

Các đại biểu còn thảo luận nhiều vấn đề lạc hậu trong Luật Hôn nhân - Gia đình so với thực tế như: Hôn nhân đồng tính, mang thai hộ, quyền đại diện yêu cầu ly hôn của người bị tâm thần, sống chung như vợ chồng, hôn nhân bất hợp pháp, mâu thuẫn giữa luật và tập quán cưới xin…