Sáng kiến vận động nghệ sĩ cùng ký tên vào đơn xin xét tặng danh hiệu cho diễn viên Văn Hiệp xuất phát từ tấm lòng của những đồng nghiệp thương yêu và kính trọng ông, đánh giá cao về tài năng và sự cống hiến của ông, tấm lòng của bạn bè thật rất đáng được ghi nhận.
Nhưng cứ nghĩ đến việc vận động xin chữ ký để xin xét danh hiệu nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân quả thực có gì đó còn chưa ổn. Cái danh hiệu đó ghê gớm đến thế sao, nó có giá trị khẳng định tài năng thực sự của người nghệ sĩ hay sao? Không chắc.
Có không ít người có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú hoặc nghệ sĩ nhân dân nhưng chẳng được ai biết tới, chẳng có đóng góp có giá trị cho lĩnh vực nghệ thuật. Người có tài năng không cần những thứ hư danh mà cần sự ghi nhận của công chúng, danh hiệu nghệ sĩ nhân dân của họ chính là tình yêu của công chúng. Diễn viên Văn Hiệp là một trong những nghệ sĩ sống được trong lòng công chúng.
Tại sao phải xin? Nghệ sĩ cần có lòng tự trọng, không việc gì phải xin ai cho mình cái danh cả. Nói như diễn viên Quyền Linh: “Tôi nghĩ các nghệ sĩ không cần phải xin danh hiệu cho bác Văn Hiệp làm gì. Nếu Hội đồng xét tặng thấy bác xứng đáng thì trao. Còn không thì Văn Hiệp cũng đã là người nghệ sĩ nhân dân trong lòng khán giả và anh em đồng nghiệp”.
Vấn đề ở đây là đánh giá của các thành viên của Hội đồng xét tặng danh hiệu. Họ có nhìn nhận tài năng của Văn Hiệp hay không, đó cũng là trí tuệ, tâm hồn, sự công bằng của mỗi người. Còn diễn viên Quyền Linh không ngại ngần đánh giá: “Không lẽ Hội đồng xét tặng danh hiệu lại có nhiều người vô cảm đến thế. Sao Hội đồng không chủ động làm việc đó khi mà những cống hiến của Văn Hiệp đã quá rõ ràng”.
Đã đành, làm nghệ sĩ thì rất cần có “cái danh”. Nhưng cái danh đích thực phải do tài năng và sự cống hiến của chính nghệ sĩ tạo ra, được công chúng thừa nhận.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hàng triệu trái tim yêu mến. Ông đã đi xa nhưng cái danh của ông mãi mãi còn đọng trong tim người yêu nhạc.
Xin truy tặng danh hiệu cho Văn Hiệp là yêu mến ông nhưng có khi lại vô tình làm ông buồn.
Chân Tâm