Nguồn bệnh ở mọi nơi
Trong một lần khám sức khỏe để đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, anh Nguyễn Văn Hải, 29 tuổi, ở xóm Tây (xã Minh Tân, Thủy Nguyên) ngỡ ngàng khi cầm kết quả xét nghiệm có viêm gan B trên tay. Anh chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình khỏe mạnh và rất hiếm khi ốm đau nhưng không ngờ lại có bệnh. Buồn nhất là công cuộc ra nước ngoài lập nghiệp phải dừng để ở nhà chữa bệnh”.
Bệnh nhân điều trị tại khoa Truyền nhiễm BV Việt Tiệp (Hải Phòng). |
Một trường hợp khác là anh Đỗ Đăng Trọn, đang điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng. Anh cho biết: “Trước tết, tôi sốt triền miên và mệt lả, không thiết ăn uống gì nhưng uống thuốc cảm cúm và nghỉ ngơi được vài bữa thì thấy đỡ nên cứ nghĩ là bị cúm, cố gắng làm cho hết vụ mùa. Xong vụ mùa, tôi đi khám ở bệnh viện đa khoa huyện thì phát hiện bị viêm gan B. Đúng là dân nông thôn như tôi chẳng biết gì về bệnh gan cả, lúc nhập viện, men gan tăng đến nghìn rưỡi. Điều trị ở bệnh viện huyện được 15 ngày nhưng không thấy đỡ nên tôi xin chuyển sang đây điều trị tiếp”.
Bác sĩ - thạc sĩ Phạm Thị Hạnh Phúc - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng) cho biết: Bệnh viêm gan virus phổ biến và nguy hiểm nhất là siêu vi B và C. Bệnh viêm gan virus B lây qua đường máu và các sản phẩm từ máu bị nhiễm virus như tiêm chích ma túy, gái mại dâm, lây truyền từ mẹ sang con, lây do dùng chung đồ với người bệnh như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, lây qua vết trầy xước. Do vậy, viêm gan B có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Đề phòng để khỏi… nằm viện oan
Cũng theo bác sĩ Hạnh Phúc, ở Hải Phòng, số người mắc bệnh gan khá lớn nhưng ít người chịu đi khám, tầm soát. Chính vì vậy, bệnh nhân tới viện nhiều người đã ở giai đoạn mãn tính. Chi phí điều trị rất lớn. “Nếu các bệnh nhân được khám, phát hiện bệnh sớm và điều trị thì khả năng lây lan thấp hơn, nhiều người không phải chịu cảnh… nằm viện oan”- bác sĩ Hạnh Phúc nói. Thực tế tại khoa Truyền nhiễm BV Việt Tiệp, các bệnh nhân đều trong tình trạng… hết tiền điều trị. Như trường hợp anh Đỗ Đăng Trọn. Anh cho biết: “Trong xóm nhiều người có bệnh, tôi cũng không rõ mắc từ lúc nào. Giờ chữa bệnh gan phải điều trị dài ngày, tiền thuốc lại cao, trong khi tôi còn 4 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học, không biết tôi có cầm cự được để chữa bệnh hay không”.
Bác sĩ Phạm Thị Hạnh Phúc cho biết:
Bệnh viêm gan virus B có thời gian ủ bệnh thường 40 - 90 ngày hoặc dài hơn. Thời kỳ khởi phát và toàn phát thường biểu hiện rầm rộ, cấp tính với các triệu chứng: Sốt cao, vàng da vàng mắt, mệt mỏi, chán ăn và mất ngủ. Khi có triệu chứng bệnh, người bệnh cần đi khám ngay để được tư vấn, điều trị.
Cũng nằm cùng khoa với anh Trọn, ông Lê Văn Dinh (51 tuổi) ở Phù Liễn, quận Kiến An mỗi năm phải đi viện tới 2-3 lần. Mỗi lần như thế ông phải chi phí trên dưới chục triệu đồng. Vợ ông chạy đôn chạy đáo đi vay tiền họ hàng. Ông nói: “Nếu biết phát hiện bệnh sớm, hạn chế được lây lan thì tôi cũng đi khám ngay, điều trị dứt điểm. Ai rơi vào hoàn cảnh tôi cũng mong mình không “bị” lây bệnh bởi người khác thiếu ý thức”- ông nói. Nằm cạnh giường ông Dinh, ông Vũ Văn Nín (53 tuổi ở An Đồng, An Dương) thì than thở: “Tôi bị bệnh này 10 năm nay rồi nhưng nhà nông, làm công việc đồng áng cứ phải cố, không bỏ việc được nên sức khỏe ngày càng sa sút. Cứ nghĩ về già được hưởng an nhàn nhưng có ai ngờ lại càng vất vả vì mắc căn bệnh này…”.
Bùi Hương