Quanh địa điểm thi trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, có đến năm, sáu hàng bún, phở. Hàng quán sơ sài chỉ là chiếc quang gánh, nồi nước dùng, bún, cộng với các loại thịt, cá.
Sau ba tiếng đồng hồ đánh vật với môn toán, Kiên (thí sinh đến từ Nam Định) đói lả người, chỉ muốn sà vào quán bún cổng trường ăn ngay cho hết đói.
Hàng quán mất vệ sinh - hiểm họa ngộ độc thực phẩm "rình rập" các sĩ tử mùa thi |
Hai bố con Kiên gọi hai bát bún cá trong gánh hàng ngay trên vỉa hè nhơm nhớp nước, vừa là nước rửa bát qua loa của bà chủ quán, vừa là nước từ miệng cống gần đó chảy ra. Bưng bát bún còn nhờn mỡ, Kiên thấy ghê ghê nhưng rồi do quá đói đành phải tặc lưỡi bỏ qua.
“Ôi dào, nóng sốt thế này thì vi trùng vi khuẩn còn sống vào đâu, ăn đi con! không chết được đâu mà sợ”, bố Kiên động viên con.
Cả gánh hàng bún chỉ khoảng hơn chục chiếc bát mà khách hàng thì nườm nượp, để có bát bán hàng, bà chủ chỉ kịp nhúng chiếc bát bẩn vào nước, chao di chao lại hai ba lần rồi lấy chiếc giẻ đen cáu, giắt ở bên hông, lau qua loa tiếp tục làm bát mới cho khách.
Khách giục tới tấp, bà chủ vội vàng dùng tay trần bốc bún, thịt, rau rồi chan nước dùng mời khách. Thức ăn thừa, nước rửa chén bát, rau sống… đều được đổ xuống lề đường khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Mấy hàng cơm bình dân, bún phở quanh đó cũng đông tấp nập. Các món ăn nguội ngắt lèo tèo của dãy quán bày bán sát mép vỉa hè, che đậy qua loa khiến bụi bặm và ruồi nhặng bám đầy. Trong tủ thức ăn, miếng thịt sống chưa kịp chế biến cũng được để chung cùng những đĩa thịt đã được kho...
Trời nắng nóng, không chỉ cơm, phở mà các hàng nước mía cũng “đắt như tôm tươi”. Tận mắt nhìn thấy cách chế biến nước mía mà không khỏi ái ngại.
Máy ép mía của một chủ hàng trên vỉa hè đường Trần Đại Nghĩa (khu vực trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) đóng đầy cặn bẩn, đen sì, ruồi nhặng bâu đầy quanh thành máy. Mía được cạo trên nền xi măng đầy bụi bặm, chủ hàng dùng tay trần cầm mía đưa vào máy ép, rót nước rồi đon đả mời khách: “Uống đi em! Nắng nóng thế này uống nước mía là nhất đấy, vừa bổ, rẻ lại đảm bảo an toàn. Em xem, chị không hề pha đường hóa học hay phẩm mầu gì cả, nước mía nguyên chất đấy”.
Nhận cốc nước mía từ tay bà chủ, nhìn quanh thấy sĩ tử nào cũng uống ngon lành mặc cho đống bã mía dưới chân đen kín ruồi nhặng.
Hàng trà đá bên cạnh cũng không sạch sẽ hơn là mấy khi chủ hàng để phích nước trên vỉa hè đầy bụi. Một dúm chè khô pha được tới bốn, năm ấm nước to. Cốc nước vàng khẹt do lâu ngày không rửa, nước vẩn đục tạo váng trên mặt. Cốc nước trông ghê là vậy nhưng do vội chủ hàng không kịp rửa, chỉ kịp hắt nước thừa ra phía sau rồi lại rót nước mời khách. Chưa kể đến đĩa hạt hướng dương 10 hạt thì có đến bốn, năm hạt mốc hỏng...
Vân Nga