Thôn Phú Hậu thuộc xã Diễn Tân (Diễn Châu, Nghệ An) chưa bao giờ xao động đến thế. Câu chuyện một người phụ nữ “đẻ” ra đỉa đã khiến không ít người phải rùng rợn và cũng khiến không ít người phải tò mò.
Chưa hết bàng hoàng chị Đinh Thị Liên (47 tuổi) kể lại: “Tôi không biết nói thế nào nhưng thực sự tôi rất sợ và bây giờ nghĩ lại vẫn thấy rùng mình. Người dân trong thôn cứ gặp tôi cũng đều đề cập đến chuyện tôi “đẻ” ra đỉa.
Cách đây gần 1 tuần, khi tôi đang đi làm ruộng thì thấy trong người khó chịu nên về sớm. Khi về gần đến nhà thì thấy máu chảy ra từ vùng kín khiến quần bị ướt. Tôi nghĩ đơn thuần là do mình đến “kỳ” nên đi nhanh về nhà để tắm giặt. Khi về đến cổng thì máu trào ra nhiều hơn và có cái gì đó đang ngọ nguậy, chui ra từ vùng kín”.
Cũng theo chị Liên cho biết: “Khi đó tôi dùng tay sờ xuống phía dưới cầm phần lồi ra của vật đang ngọ nguậy và kéo ra được cái gì đó dài chừng 30cm to bằng cổ tay người lớn (có đường kính khoảng 5cm)”.
Khi đã kéo được “vật lạ” từ trong cơ thể ra ngoài, chị liền vứt xuống sân và cho rằng mình đã sinh ra quái thai. Để chắc chắn và muốn biết mình đã sinh ra gì nên ngay sau đó chị đã múc nước dội lên vật đang ngọ nguậy trên vũng máu thì phát hiện đó là một con đỉa. Chị Liên cho biết thêm, đó là một con đỉa sống ở nước ngọt, có da màu đen xen lẫn đốm vàng. Tuy nhiên nó to và dài gấp hàng trăm lần so với những con đỉa bình thường mà mọi người thường gặp.
Khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân có con đỉa nằm trong cơ thể thì chị Liên chỉ lắc đầu và nói rằng chính bản thân chị cũng không hề biết. Nhưng chị cho rằng, trước đó khoảng 2 tháng chị đi bứt cỏ cho trâu tại một đầm ngập nước.
“Lúc đó nước ngập ngang đùi nhưng hôm đó tôi không đi ủng bảo hộ, lại xắn quần quá cao có thể đỉa đã chui vào vùng kín của tôi và sống đến nay. Tôi giám chắc là từ lần đó là đỉa vào người vì cũng từ đó đến nay tôi chưa hề xuống những vùng nước sâu và khi đi cấy ở ruộng thì tôi mang quần áo và ủng bảo hộ rất cẩn thận” - chị Liên khẳng định.
Đỉa chui vào người chị Liên nhưng theo chị nó không hề gây ngứa và khó chịu ở vùng kín nên không thể phát hiện ra. Tuy nhiên, chị cũng cho rằng khoảng gần 2 tháng nay cho đến khi phát hiện ra con đỉa thì trong người có nhiều biểu hiện bất thường. Phía bụng dưới luôn có cảm giác đau âm ỷ và về đêm người nóng ran phải sử dụng 2 chiếc quạt chạy hết tốc lực để ngủ. Nhiều hôm đau toát mồ hôi nhưng chỉ nghĩ bị đau bàng quang hoặc đau gì đó mà thôi.
Anh Lê Văn Khuynh (chồng chị Liên) cho biết: “Ngay sau khi phát hiện đó là con đỉa, vợ tôi đã giật thót mình, mặt đổi sắc vì quá sợ. Lúc đó máu vẫn tiếp tục chảy ra từ vùng kín nên tôi phải gọi con trai đưa bà ấy xuống trạm y tế xã để tiêm thuốc cầm máu. Mất nhiều máu nên mấy ngày sau đó bà ấy rơi vào tình trạng hoa mắt, chóng mặt phải nằm nghỉ suốt mấy ngày”.
Để đảm bảo về sức khỏe và tránh những tác dụng phụ do vết thương con đỉa gây ra, người nhà chị Liên sau đó đã đưa chị đến một trung tâm y tế gần nhà để siêu âm tử cung, buồng trứng, xét nghiệm máu và tiến hành điều trị.
Dù chị Liên “đẻ” ra đỉa đã được gần 1 tuần nay nhưng chị vẫn chưa hết bàng hoàng. Mỗi khi có ai hỏi về việc đó là chị lại gật đầu bảo có thật và sau đó chị nhắm mắt, lắc đầu liên tục vì quá rùng rợn. Bà Đào Thị Sáu, một hàng xóm xác nhận: “Hôm đó tôi cùng mấy người khác nữa tận mắt chứng kiến con đỉa. Không ngờ nó lại chui được vào người chị Liên và sinh trưởng lớn đến như vậy!”.
Cũng theo người dân địa phương cho biết, khoảng 3 tháng trước có em Lưu Viết Hoàng 14 tuổi ngụ xóm 1 cũng bị đỉa chui vào dương vật khi tắm sông. Người thân em Hoàng sau đó phải đưa em tới bệnh viện để gắp đỉa ra.
Đỉa trâu có môi trường sống ở các đầm lầy, ao hồ, nơi vùng trũng có nhiều trâu bò hay động vật có máu nóng, loại đỉa này cũng thường sống ký sinh trên rau muống. Đỉa trâu sống ký sinh, sinh sản phát triển ngay trong cơ thể động vật và có sức sống khá mãnh liệt trong nhiều môi trường.
Đỉa trâu là loại sinh vật hút máu, lượng máu hút của đỉa trâu lớn và khi hút máu xong có thể để lại sẹo trên da người. Nếu ấu trùng đĩa trâu lọt vào cơ thể động vật và người, nó có thể sinh sống và phát triển.
Khi bám vào sinh vật chủ, răng sẽ cứa vào da làm chảy máu vật chủ, nhờ có chất hirudin có hoạt tính gây tê cục bộ và chống đông máu tiết ra từ tuyến đơn bào trên thành hầu làm máu vật chủ không bị đông. Sinh vật chủ khi bị đỉa cắn sẽ khó nhận biết và vị trí bị cắn khó cầm máu.