Dân Việt

Biên cương ngời một chấm xanh...

06/07/2012 15:19 GMT+7
(Dân Việt) - Tháng 3.1975, khi những cánh Quân Giải phóng đang thừa thắng xốc tới dinh luỹ cuối cùng của Sài Gòn thì tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), Đoàn Mê Linh được thành lập với nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng.

Một tầm nhìn lãng mạn cho đất phên giậu của Tổ quốc chưa ai hay đã bắt đầu. Song cũng ít ai ngờ phải gần một phần tư thế kỷ sau, tầm nhìn lãng mạn ấy mới trở thành hiện thực…

img
Cán bộ kỹ thuật Công ty 74 hướng dẫn công nhân người dân tộc Jrai kỹ thuật cạo mủ cao su.

Trên đất cũ dinh điền

… Vào những năm đầu của thập niên 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm đã nuôi tham vọng đưa cây cao su vào mảnh đất Đức Cơ (Gia Lai). Đất thiêng không dung tham vọng tội ác. Chính sách dinh điền đã nhanh chóng ra đi với triều đại nhà Ngô…

Tháng 3.1975, Đoàn Mê Linh được thành lập với nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng. 6 lần đổi tên – cũng có nghĩa là ngần ấy lần chuyển giao, thay đổi mô hình nhưng dù với mô hình nào thì cán bộ, chiến sĩ công ty cũng là người lính chân đất, chỉ một niềm trăn trở với đất. Đất bao mùa trở mình, với họ là bấy nhiêu chặng đường gian khổ… Đại tá Trần Quang Hùng -Giám đốc Công ty 74 bây giờ - ngày ấy cũng là người lính chân đất đích thực – đã kể cho chúng tôi nghe cái thời mà ông vẫn nói vui là “đánh gốc bốc chà”…

Sau chặng đường hành quân ròng rã 33 ngày đêm, dẫu là tuổi trẻ đang mang trong mình nhiệt huyết thời đại, vẫn không ai không chùng xuống trước một hiện thực khắc nghiệt: Những vạt rừng trơ trụi xác xơ vì bom đạn; những cơn gió man dại… 1.000 con người được phiên chế theo tổ chức quân đội.

Mỗi tiểu đội 14 người được chia một gian nhà tranh vách đất, giường bằng sạp nứa. Ngày hai buổi “đánh gốc bốc chà”, tối về chỉ bát cơm và hai bánh sắn luộc. Nhà chưa kịp ấm hơi người, sốt rét đã hoành hành. Đáng sợ hơn là hiểm hoạ bom mìn mà kẻ thù để lại trong lòng đất. Những dòng máu đã đổ trên triền đất đỏ…

Tương lai nào cho cuộc sống này? Không ít người đã chẳng cần đến một sự dằn vặt và chạy trốn khỏi cuộc sống mà họ cho là vô vọng. Ngay tháng đầu tiên đã có người trốn. Có đại đội bỏ ngũ đến một phần ba. Chỉ riêng một xã như Hồng Lạc, 80 người ra đi, trụ lại vỏn vẹn chỉ 6 người. Điều bất ngờ là nam lại bỏ ngũ nhiều hơn nữ…

Nếu chân lý cuộc sống phụ thuộc vào sự cảm nhận nông cạn của một thiểu số người thì công ty có lẽ đã tan vỡ từ ngày ấy! Nhưng không, cuộc sống bao giờ cũng là niềm tin của số đông. Mang niềm tin làm hành trang từ buổi ra đi, họ vẫn nghe tiếng lặng thầm của đất. Họ tin vào bản lĩnh của chính mình. Và niềm tin của họ đã được đặt cược đúng chỗ. Cuộc sống bắt đầu sáng lên từ những năm 1990…

Nhưng phải khi đứng vào đội ngũ của Binh đoàn 15, lịch sử công ty mới thật sự lật sang trang mới. Chỉ với khoảng thời gian bằng một nửa chặng đường trước đó, công ty đã phát triển diện tích cao su lên gần 6.000ha cùng gần 150ha cà phê.

Từ kiểu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, công ty đã chuyển sang sản xuất kinh doanh tập trung đa ngành, đầu tư chiều sâu. Với tinh thần năng động, dám nghĩ dám làm, thi đua lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy cao độ tinh thần chủ động sáng tạo của người lao động, công ty đã từng bước khẳng định vị thế của mình trong cơ chế thị trường.

Nếu năm 1999, sản lượng mủ khô mới đạt gần 1.700 tấn thì năm 2011 đã đạt hơn 9.000 tấn; sản lượng cà phê tăng gần 2 lần; nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 40 lần. Năm 2011, tiền lương bình quân công nhân đã đạt 6 - 8 triệu đồng/người/tháng – tăng 9 lần so với năm 2001. Riêng tiền thưởng, nhiều công nhân đã đạt 40 triệu đồng. Năm 2010, công ty vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Những ngôi làng lột xác

Vẫn nghe tiếng làng Mới (xã Ia Dơk) của “Anh hùng chân đất” Rơ Mah KLum từ lâu, giờ tôi mới có dịp đến thăm.

Con đường cấp phối kẻ một vệt thẳng băng dưới tán rừng cao su xanh bóng sau mùa thay lá. Từ xa đã thấy hồ chứa nước của làng lóng lánh dưới cái nắng thảm vàng như pha mật. Làng Mới hiện ra trước mắt tôi với không gian sống thật thú vị. Nhà nào cũng dịu mát dưới những tầng cây. Rơ Mah KLum mất đã gần 3 năm nay, nhưng trong ký ức dân làng, ông vẫn sống, vẫn hiện diện qua câu chuyện họ kể tôi nghe…

Hơn hai chục năm về trước, sau gần 30 năm đánh giặc, Rơ Mah KLum trở về làng. Ông không ngờ đôi mắt tưởng đã khô kiệt vì chiến tranh ác liệt của mình lại phải rơi những giọt nước mắt giữa đời thường… Dường như chẳng có gì thay đổi từ cái ngày ông giã làng ra đi: Vẫn những đứa trẻ chưa đầy tuổi ngặt nghẽo trên lưng mẹ lên nương trỉa lúa; vẫn những mái nhà tranh rúm ró xiêu vẹo trên trảng đất không một bóng cây nuôi sống được người. Đàn ông cả làng ai cũng đóng khố, không có nổi chiếc quần để mặc. Là người Jrai, KLum biết rõ dân tộc tính của đồng bào mình, biết chọn con đường nào để đi…

Rơ Mah KLum dẫn 12 hộ thanh niên cùng 4 hộ cựu chiến binh theo ông lập làng Mới. Công ty 74 đã giúp tháo gỡ bom mìn, đắp hồ chứa nước cùng tất cả những gì có thể. Chỉ một thời gian, cái đói đã lùi bước… Tuy nhiên, bằng con mắt nhạy cảm của người lính một đời trận mạc, Rơ Mah KLum hiểu rằng nếu chỉ làm cây lúa thì chỉ hết đói chứ khó thoát được nghèo. Ông đứng ra xin công ty cho làng ông được vào công nhân…

Những gì mắt thấy tai nghe ở chốn dinh điền xưa vẫn còn lởn vởn trong óc không ít người. Dẫu biết rằng đây là “cao su bộ đội” nhưng bản tính tự do, sự thiếu hiểu biết đã khiến người ta cứ lưỡng lự như đứng trước ngã ba. Rơ Mah KLum một lần nữa lại đi tiên phong. Nhờ sự giúp đỡ của công ty, ông đứng ra trồng 7ha cao su. Sức thuyết phục của cái mới đã được KLum đặt cược đúng chỗ. Làng Mới trở thành làng đầu tiên có con dân đi làm công nhân cao su. Bây giờ hơn 50 hộ công nhân của làng đã có đời sống khá nhất xã. Mỗi tháng, người làng Mới làm ra một số tiền tương đương trước đây họ làm rẫy cả năm. Một cuộc sống chưa có ngay cả trong mơ của những ngày cơ cực…

“Mỗi giọt nhựa có được hôm nay phải đổi bằng nước mắt và máu của bao thế hệ”. Lời của đại tá, Giám đốc Trần Quang Hùng văng vẳng bên tai. Tôi cầm chiếc lá vàng rực bất chợt sa vào tay mình, bâng khuâng tưởng như đang cầm trên tay tiếng vọng của đất qua màu sương khói tháng năm...

Làng Mới chỉ là một trong 28 thôn – làng đã thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, lạc hậu… Không kể trên 1.400 lao động là đồng bào dân tộc tại chỗ đã trở thành công nhân – trong đó hơn 80% đã có đời sống khá, hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn đứng chân hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đã được Công ty 74 giúp đỡ. Những năm qua, hàng chục tỷ đồng đã được công ty đầu tư để xây dựng đường liên thôn, xã; hồ đập, cầu cống, trường học, bệnh xá, khu vui chơi cho thanh thiếu niên…

Với tâm niệm thay đồng đội đi trước trả nghĩa công ơn cưu mang, đùm bọc của đồng bào, công ty đã ân cần lo từng ký gạo mùa giáp hạt, từng tấm chăn ấm mùa đông, từng cuốn vở, cây bút cho các cháu đến trường… Gần đây, với sự sáng tạo mô hình “gắn kết hộ”, công ty đã “vi mô thêm chủ trương “Công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng”.

685 hộ gia đình đồng bào dân tộc đã kết nghĩa với 685 hộ công nhân người Kinh. Tế bào gia đình gắn kết – trái tim cùng nhịp đập, một dải biên cương thêm vững chắc một tiền đồn. Ngọn gió đen của các thế lực phản động đã không còn chỗ len chân…