Dân Việt

“Ngắc ngoải” vì dịch tai xanh

10/08/2010 11:37 GMT+7
(Dân Việt) - Bão "tai xanh" đang càn quét tại 17 tỉnh khiến cho người chăn nuôi lao đao. Không chỉ người có heo bị dịch khốn khổ, người có heo không bệnh cũng bị vạ lây. Thiệt hại không thể tính hết.
img
Nhiều quầy bán thịt heo có chứng nhận đã kiểm dịch cũng bị vạ lây, lâm vào cảnh ế ẩm.

Heo sạch vạ lây

Cũng như ở những vùng dịch khác, người chăn nuôi ở TP. Đà Nẵng đang rất lo lắng, không biết dịch tai xanh (DTX) sẽ tiến đến đâu. Ngoài những vùng có heo mắc bệnh, vẫn còn nhiều trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn chưa dính dịch bệnh. Tuy nhiên số heo này cũng chung tình cảnh không khác gì các đàn heo dịch, bán rất khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Sơn ở thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cho biết: Trại có 100 con heo (từ 90-100kg/con) quá lứa xuất chuồng nhưng gặp ngay đợt DTX nên không bán được con nào vì rớt giá thê thảm.

img Toàn TP. Sóc Trăng có khoảng 23.000 con heo, trong đó có trên 1.300 con bị tiêu hủy vì DTX. Phần lớn số heo bị bệnh nằm ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, còn những trang trại chăn nuôi lớn chưa phát hiện heo bị bệnh, tức là heo sạch, cũng bị vạ lây. img

Ông Nguyễn Văn Tư - Trưởng Trạm thú y TP. Sóc Trăng

Theo ông Sơn, hơn 100 con heo nuôi trong vòng 4 tháng, dự kiến xuất chuồng với giá 37.000 đồng/kg, giờ đã không bán được lại tốn thêm mỗi ngày một triệu đồng để nuôi chờ qua đợt dịch. Chị Lê Thị Mai ở Hòa Khương có đàn heo lớn nhỏ gần 200 con. Chị chấp nhận lỗ mới bán hết, vì “biết chờ đến bao giờ hết dịch, giá mới lên" - chị Mai rầu rĩ.

Ông Trần Hải Nghĩa - chủ trang trại heo lớn ở phường 8, TP. Sóc Trăng than thở: "Trại của tôi hiện nay còn 600 con heo lớn nhỏ, trong đó có 100 con loại từ 90-100kg đã quá lứa xuất bán, nhưng gặp ngay đợt "bão tai xanh" nên không thể bán được, mỗi tháng phải chi thêm hàng chục triệu đồng cho chúng ăn. Nếu qua đợt dịch có bán được cũng cầm chắc lỗ trong tay”.

Cũng tại TP. Sóc Trăng còn có trại nuôi heo của ông Sơn Thanh ở phường 5, hiện cũng còn hàng trăm con heo tới kỳ vào lò mổ, nhưng phải neo lại vì DTX. Chủ trại ngày ngày “cắn răng” lo thức ăn cho đàn heo.

Ông Phan Thanh Phong - Chi cục Trưởng chi cục Thú y Sóc Trăng cho biết: Toàn tỉnh có trên 200.000 con heo nhưng chỉ có khoảng 2.500 con bị tiêu hủy vì DTX, số còn lại chưa phát hiện bệnh, nhưng hiện nay vẫn phải chấp hành chủ trương không cho giết mổ. Chính điều này khiến cho người chăn nuôi và người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn. Chi cục đã có văn bản trình tỉnh để có biện pháp tháo gỡ cho những đàn heo không bị dịch bệnh.

Đây cũng là mong mỏi của các chủ trang trại heo lớn không bị dịch bệnh ở Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa… hiện không tiêu thụ được đàn lợn vì "bão tai xanh" mà phóng viên NTNN ghi nhận được.

Người kinh doanh cũng “méo mặt”

Lo ngại dịch bệnh, người tiêu dùng hạn chế ăn thịt heo. Chưa có thời điểm nào mà thị trường thịt heo ở Tiền Giang lại ế ẩm như hiện nay. Tại chợ Thạch Trị (TP. Mỹ Tho), giờ chỉ có gần 10 người bán thịt heo mà sạp nào cũng vắng teo. Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm - chủ một sạp bán thịt heo ở đây bày tỏ: "Trước đây mỗi ngày tui bán khoảng 100kg thịt, nhưng hiện nay chỉ bán được khoảng 10kg, bữa nào cũng còn thịt đem về”.

Ông Kỵ - người kinh doanh thịt heo ở chợ trung tâm TP. Sóc Trăng cho biết: Bình thường mỗi ngày ông bán từ 50 - 70kg thịt heo các loại, lời cũng được 250.000 - 300.000 đồng. Nhưng từ ngày có lệnh bán mua bán giết mổ heo, cả nhà ông phải xoay sang việc khác để kiếm sống, dù vẫn có thể mua được heo sạch để giết mổ.

Cũng giống như ông Kỵ, bà Hồ Hà - tiểu thương ở chợ Túy Loan huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cũng mỗi ngày trước đó tiêu thụ 50 - 70kg thịt heo, lời 200 - 300 ngàn đồng, nhưng nay bán chỉ còn một nửa. Đến chợ nào trên địa bàn vào thời điểm này cũng vậy, các sạp bán thịt heo đều vắng khách hoặc có hộ nghỉ kinh doanh luôn.

Nhiều hộ bán thức ăn chăn nuôi gia súc cũng bị liên lụy. Chị Nguyễn Thị Nhứt kinh doanh tinh bột gạo và bắp ở xã Hòa Nhơn ngán ngẩm: So với những người phải tiêu hủy cả đàn heo, chúng tôi cũng khổ không kém. Nhập hơn hai chục tấn bắp hơn 100 triệu đồng, nhưng để hoài chẳng bán được cân nào. Mùa mưa đến có nước đổ đi chứ biết làm chi".

Đừng tẩy chay thịt heo

Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết người tiêu dùng hiện nay rất lo ngại DTX và chưa tin vào lượng thịt sạch đang bán trên thị trường nên quyết định "quay lưng với thịt heo". Tại các quán ăn, món thịt heo bị thừa nhiều. Anh Nguyễn Lâm (Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) tâm sự: “Thấy rõ ràng thịt heo được đóng dấu kiểm dịch nhưng sao ăn vẫn sợ. Vào quán nào cũng không dám gọi thịt heo”.

Ngày 5 - 8, Bộ NN&PTNT đã có chỉ thị về “Tăng cường công tác phòng chống dịch tai xanh”, trong đó nêu rõ: Tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm soát vận chuyển nhằm không để dịch lây lan, đồng thời tạo điều kiện vận chuyển heo khoẻ mạnh, không mắc bệnh đến cơ sở giết mổ.

Heo mắc dịch được phát hiện từ rất sớm, nhưng TP. Đà Nẵng chậm trễ công bố. Điều này khiến không ít người lo ngại "khả năng sạch" của sản phẩm heo thịt. Thậm chí đến quán chả heo cũng chẳng ai mua.

Tại Nhà hàng Làng Việt ở phường 5, TP. Mỹ Tho, gần đây không có các món ăn từ thịt heo, một nhân viên nhà hàng này cho biết: Mấy ngày qua khách đến ăn không thấy ai kêu món thịt heo. Trong khi thịt heo rớt giá, ế ẩm, người tiêu dùng quay sang ăn các lại thực phẩm khác như thịt gà, vịt, cá tôm, rau… khiến giá của các mặt hàng này tăng theo.

Hầu hết các tiểu thương chúng tôi gặp đều bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng cần tuyền truyền đúng về DTX và định hướng để người tiêu dùng sử dụng thịt sạch bình thường.