Dân Việt

Làm gì sau khi trượt đại học?

11/08/2010 06:05 GMT+7
(Dân Việt) - Kết quả kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay đã được công bố, và một vấn đề đặt ra thường niên với đa số gia đình nghèo, nhất là ở các vùng nông thôn, đó là con cái của mình sẽ làm gì sau khi thi rớt?

Nhiều người không vượt qua tâm lý chỉ có bằng đại học mới là người thành công nên cứ loay hoay không có lối thoát, nhất là khi chính mình không đủ điều kiện, con mình không đủ năng lực.

Sau những kỳ thi đại học, những học sinh ngoan, học giỏi, thi đỗ cao được nhiều người khen ngợi. Cha mẹ các em nở mặt nở mày, người thân cũng thơm lây khi trong gia đình, dòng họ có một người thi đỗ. Cái tâm lý đó vẫn đè nặng trong xã hội Việt Nam, với xã hội nông thôn lại càng nặng nề hơn. Nhu cầu con cái thi đỗ đại học đôi khi chuyển sang chiều hướng rất tiêu cực, đó là chỉ vì danh dự gia đình, vì mục đích để hơn hàng xóm, để mình ngẩng mặt khi ra đường, còn không cần biết việc đầu tư học hành đó có hiệu quả hay không.

Trên thực tế, không ít trường hợp không cần học đại học, nhưng có tay nghề cao hoặc kinh doanh giỏi, nhưng cũng không được đánh giá cao. Những gia đình có con học đại học hoặc đã tốt nghiệp đại học, dù nghèo nhưng cũng tự an ủi nhà mình "cao" hơn nhà khác vì có bằng đại học. Quan điểm này rất lạc hậu, thiếu tính thực tế nhưng cắm rễ rất sâu trong tư duy của nhiều người.

Chính vì nhận thức đó nên nhiều thanh niên nông thôn không thi được trường danh tiếng thì cũng cố vào cho được đại học dân lập "vô danh tiểu tốt". Ra trường lặn lội xin việc nhiều năm chẳng được, họ đành đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Gia đình ở quê dù nghèo cũng phải cố chu cấp cho ông cử nhân đang thất nghiệp ở thành phố.

Nhiều người thi rớt đại học, nhưng đôi khi vì sĩ diện cá nhân, vì áp lực gia đình, lại tiếp tục "sôi kinh nấu sử" để sang năm thi tiếp. Sự cố gắng đó là rất tốt, nhưng đối với một gia đình nghèo, điều kiện khó khăn, sức học của bản thân có giới hạn, thì vạch đường đi như vậy hoàn toàn không hợp lý.

Xã hội đang rất cần người lao động tay nghề cao để cung cấp cho các doanh nghiệp. Theo phân tích của các trung tâm nghiên cứu thị trường lao động, nhu cầu về lao động có tay nghề cao gấp đôi nhu cầu lao động trình độ đại học.

Học nghề thời gian ngắn, chi phí thấp, học viên ra trường thường có việc làm nhanh hơn học đại học, nhiều nghề có thu nhập cao. Các yếu tố đó rất phù hợp với điều kiện của những gia đình khó khăn.

Hiện nay, các trường nghề phát triển tốt, có nhiều cơ sở đào tạo nghề đúng với nhu cầu thực tế, liên kết với doanh nghiệp để học viên ra trường có việc làm ngay và thu nhập ổn định. Nhà nước cũng đã có chính sách, cơ chế để học viên trường nghề được học liên thông lên đại học. Tại sao lại bỏ qua lựa chọn này?