Dân Việt

Đồng Văn trong cơn lốc tệ nạn

11/08/2010 09:43 GMT+7
(Dân Việt) - Hai em độ tuổi trăng non, ăn mặc kiệm vải, da trắng như trứng gà bóc thấy chúng tôi liền ùa ra lơi lả: “Hai anh dùng gì để Ái noọng chiều?”...

 

Thủy điện Hủa Na (xã Đồng Văn, Quế Phong, Nghệ An) khi hoàn thành sẽ đem ánh sáng tới nhiều vùng quê xứ Nghệ và các tỉnh lân cận. Ấy là chuyện của tương lai, còn hiện tại, từ khi công trình được triển khai, như một cơn lũ, tệ nạn xã hội đã rầm rập đổ về xã này...

img
Một góc bản Huổi Muộng - nơi cơn lốc tệ nạn ma túy, mại dâm đang tàn phá cuộc sống người dân.

Thung lũng “hoa rừng”

Đường đến Thủy điện Hủa Na được rải nhựa phẳng lì, hai bên điệp trùng rừng núi. Phong cảnh hữu tình ấy khiến những ai đam mê du lịch sinh thái phát cuồng. Piếng, tay anh chị nổi tiếng đất Đồng Văn, người dẫn đường kiêm “bảo kê” để chúng tôi đi thâm nhập đất này, bảo: “Bây giờ đường ngon lành thế chứ cách đây mấy năm, đường đi khúc khuỷu, hai bên là vực thẳm sâu hun hút, đi không cẩn thận, sảy chân là mất mạng ngay!”. Phi xe hơn tiếng đồng hồ chúng tôi đã đặt chân đến trung tâm xã.

Nơi đây nhộn nhịp khác thường. Ô tô chở linh kiện, nguyên vật liệu cho công trường thủy điện vào ra liên tục. Hai bên đường thuộc bản Huổi Muộng - cửa ngõ của công trường, quán nhậu, nhà nghỉ, tụ điểm giải trí và cả… thư giãn mọc lên như nấm.

Đông vui nhất là những quán thư giãn. Trong những quán ấy, tôi đã thấy rất nhiều những cô gái đứng ngồi, vào ra. “Ông có mần tí cho biết “hoa rừng” không?” - Piếng nhìn tôi cười hỏi. Chẳng để tôi kịp đáp lời, Piếng liến thoắng tiếp thị: “Đủ màu, đủ món ông ạ. 15, 16 mùa đào cũng có! Ngon lắm!”. Piếng nói mà mắt cứ hấp háy liên hồi. Điệu bộ ấy khiến tôi không khỏi tò mò.

Ông Lô Sơn Dần thống kê, hiện nay, trên địa bàn toàn xã có 43 con nghiện. Trong 3 năm trở lại đây đã có 11 người chết vì ma tuý. Đó chỉ là “con số thống kê” chứ “phần chìm” của “tảng băng” ấy thì không ai biết được.

Tuy nhiên, khi tôi còn chưa đưa ra quyết định thì gã đã xộc thẳng vào cái quán ở ngay trước mặt. Hai em độ tuổi trăng non, ăn mặc kiệm vải, da trắng như trứng gà bóc thấy chúng tôi liền ùa ra lơi lả: “Hai anh dùng gì để Ái noọng chiều?”.

Vừa nói dứt câu, một cô em phất tay rất điệu. Vậy là bia được tới tấp chuyển ra... Khi hơi men đã chuếnh choáng, tôi bảo Piếng muốn đi tìm chỗ nghỉ. Nghe tôi nói vậy, cô gái cứ quấn lấy tôi từ nãy nũng nịu: “Ghét! Không chơi với người ta nữa à? Mần đi chứ, không người ta không yêu đâu!”.

Trong câu chuyện đời mình, Hoa, tên cô nàng dính với tôi như sam ấy bảo, quê cô ở Mường Nọc (Quế Phong). Mang tiếng về đây bán hàng thuê nhưng các cô chỉ được tiền khi “đi khách”. Thậm chí, những đồng tiền nhơ nhuốc ấy vẫn phải trích cho chủ quán 20%.

Chẳng đợi hai cô lánh mặt, có lẽ cũng đã liêng phiêng, tợp ngụm bia, Piếng gằn giọng: “Hai con ni làm “ca ve” ở biển Diễn Thành (Diễn Châu, Nghệ An). Từ khi có thủy điện thì nhảy về. Chưa khi mô tui thấy “ca ve” nhiều như rứa!”. Theo Piếng thì ở đây quán nào cũng có vài cô. Sau chầu bia, Piếng lôi tôi sang một quán cà phê ở ngay gần đó.

Vừa kéo ghế ngồi tôi đã rùng mình khi nghe những âm thanh… khó nghe phát ra liên hồi sau tấm phên mỏng ở ngay gian bên cạnh. Cứ thế, những âm thanh ấy lúc dữ dội, lúc dịu êm. Chừng chục phút sau, gã đàn ông cởi trần, mặt đỏ như gà chọi bận quần lửng ra cùng một bé gái đầu tóc tả tơi. Chờ gã thanh niên đi khỏi, cô gái khoảng 16 - 17 tuổi ấy ôm mặt khóc. Chẳng hiểu cô bé khóc vì cái gì. Thấy bà chủ quán mắt gằm gằm, tôi cũng không tiện hỏi.

Huổi Muộng về đêm điện sáng trưng như phố. Khoảng 5- 10 phút lại có một tốp xe máy chở các cô gái từ nơi khác đến. Piếng lắc đầu: “Chúng chở “ca ve” đến phục vụ công nhân đó!”. Theo cái chỉ tay của Piếng, tôi thấy những cô gái ấy nhanh chóng sà vào các quán. Ở đó đã có khách chơi đợi sẵn. Cũng theo hướng chỉ tay của gã ma cô này, tôi thấy một số cô rẽ vào những quả đồi. Ở đấy gió mát trăng thanh…

“Lốc trắng” kinh hoàng

Chúng tôi cũng đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào bán “thuốc trắng” công khai, chích công khai như ở chốn này. Piếng chỉ những đốm lửa lập loè bên rú mồ bảo đó là nơi thanh niên tụ tập “ăn hàng”.

Theo chân Piếng tôi đi về phía đó. Gần đến nơi Piếng lên tiếng: “Tụi bây tụ tập đây để “sướng” à?” Một tên trong bọn đáp: “Đời phải sướng chứ. Bác đưa thằng mô đến đó?”. “Bạn tau. Bây còn hàng không?”. “Còn. Thích mấy?” Tên đó rút trong túi ra 2 gói nhỏ bọc nilon. Piếng lắc đầu chê ít. “Ít thì để chú vô lấy, mấy cũng có!”.

Trong lúc Piếng nói chuyện, tôi căng mắt quan sát. Cả thảy có 5 con nghiện, độ tuổi từ 17- 34 đang nằm trên manh chiếu rách. Một tên có cái đầu bù xù như tổ quạ cầm chiếc xi lanh huơ lên: “Bác mần một nhát không? Em mới bán cái nhà sàn được hơn năm chục, đêm ni chiêu đãi bác xả láng!”. Piếng rỉ tai tôi: “5 thằng ni nghi bị “ết” rồi. Tiêm chung như rứa không bị “ết” có mà lạ!”. Nghe Piếng nói vậy, tôi thấy sống lưng lạnh toát.

Đi dọc đường về trung tâm xã chúng tôi còn chứng kiến một vài nhóm thanh niên dùng xi lanh chích thuốc ngay tại quán bia. Sự ngang nhiên ấy khiến tôi tưởng, nơi đây là mảnh đất của những tay cao bồi.

Theo chân ông Lô Sơn Dần - Trưởng Công an xã, tôi tìm đến nhà Lương Văn Đại ở bản Huổi Muồng. Ngôi nhà vắng đến rợn người. Trưởng Công xã Lô Sơn Dần nói: “Nhà ni là nhà vô chủ. Đại (SN 1974) nghiện rồi chết. Đại chết được mấy tháng thì vợ và đứa con gái 2 tuổi cũng lần lượt chết theo!”. Theo ông Dần, vài năm gần đây, xóm này có nhiều người chết vì ma tuý và vì AIDS.

Minh chứng điều ấy, ông Dần dẫn chúng tôi đến nhà ông Lương Văn Quân - Bí thư chi bộ bản Tục. Khi chúng tôi đến, mặc chó sủa inh ỏi, ông Quân vẫn thẫn thờ bên bậu cửa. Hỏi đến lần thứ ba ông mới giật mình ngoảnh lại.

Khi biết ý định của chúng tôi ông không nói gì, đôi mắt trũng sâu ậng nước. Có lẽ, nỗi đau quẫy phá khiến ông câm lặng. Ma tuý đã cướp của ông 3 người con chỉ trong vòng mấy tháng, hỏi có nỗi đau nào hơn thế.

Theo ông Quân thì nhà ông trước đây thuộc diện có của ăn của để. Thế nhưng, từ khi những đứa con dính vào ma tuý chúng đã phá sạch. Bây giờ ngôi nhà chỉ còn bộ khung trống huơ, trống hoác.

3 đứa con của ông là Lương Văn Minh, Lương Văn Quê, Lương Văn Hường bởi bập sâu vào con đường nghiện ngập cũng lần lượt bỏ ông mà “đi”. Ông Quân bảo, trước đây, dù có nằm mơ ông cũng chẳng thể ngờ gia đình mình lại rơi vào thảm cảnh này.

Ông Lô Sơn Dần - Trưởng Công an xã Đồng Văn cho biết: “Công trình Thuỷ điện Hủa Na số nhân công khi cao điểm lên đến 4 – 5 nghìn người. Đây là “mảnh đất màu mỡ” để tệ nạn xã hội xâm nhập.

Khi làng bản được đền bù và di dời, có tiền, nhiều người đua đòi ăn chơi nên sa vào ma tuý. Mại dâm bản địa cũng có mà từ các nơi đổ về cũng nhiều!”. Theo ông Dần, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp phòng chống, đẩy đuổi, tuyên truyền nhưng tình hình vẫn chẳng khả quan hơn. Tệ nạn xã hội vẫn diễn biến vô cùng phức tạp.