Dân Việt

Bi hài bằng giả: Đi tắm biển cũng được cấp bằng

12/08/2010 09:46 GMT+7
(Dân Việt) - Vụ gần 100 cán bộ dùng bằng giả bị phanh phui khiến chính quyền Long An chưa hết đau đầu thì mới đây, hàng chục văn bằng giả mới lại tiếp tục được phát hiện với những chuyện cười ra nước mắt.

Đi tắm biển cũng được cấp bằng

Một nữ cán bộ dùng bằng giả của huyện Vĩnh Hưng kể lại, năm 2008, qua quen biết có người rủ chị đóng 3,5 triệu đồng để đi thi "đảm bảo đậu" ở Trường Cao đẳng nghề số 8 (Biên Hoà, Đồng Nai).

Đến ngày thi, sau khi tiễn chị ra bến xe, chồng chị cùng anh em trong cơ cơ quan đi nghỉ mát. Dù có người hứa sẽ lo cho đậu nhưng chị này vẫn ôn luyện bài vở cho chắc ăn. Tuy nhiên, đến trường thi thì có người bố trí cho cả đoàn 15 thí sinh đi du lịch, tắm biển tại Vũng Tàu, phần thi sẽ có người lo.

Vợ chồng chị sững sờ khi bất ngờ gặp nhau trên… bãi tắm.

Chị kể hết sự việc và vô cùng lo lắng vì đã đóng tiền cho kỳ thi được tổ chức không đúng với quy chế. Một thời gian sau, chị nhận được bằng tốt nghiệp nhưng không dám báo với cơ quan, đành giấu bằng ở nhà. Khi hàng loạt cán bộ, công chức ở Long An bị công an điều tra sử dụng bằng giả thì phát hiện danh sách nhận bằng có tên chị. "Tôi rất xấu hổ và thấy mình có lỗi"- chị than thở.

Theo ông Nguyễn Phú Quyển - Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa, đường dây bằng giả ở Mộc Hoá xuất phát từ một Phó Công an xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa (đã bị cách chức vì đánh bạc, đá gà...). Đối tượng này đã giới thiệu bạn bè đi thi và ra giá từ 3,5 - 8 triệu đồng/bằng tùy mức độ quen biết. Nhận tiền xong, đối tượng này tổ chức xe đưa "thí sinh" đến trường. Thí sinh có nhiệm vụ… ngồi ở quán cà phê, đợi hết ngày thi thì về.

Bị o ép vì không tiếp tay tiêu cực?

Ông Nguyễn Ngọc Minh - nguyên Chỉ huy trưởng quân sự thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh) kể lại, năm 2008 khi đang ở nhà ôn thi tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) thì có người đến rủ ông đóng 7 triệu đồng để đi thi "bảo đảm đậu" ở Trường Cao đẳng nghề số 8.

Thấy chuyện bất bình thường, ông Minh từ chối và nói sẽ cố gắng ôn luyện để lấy bằng thật. Ông Dương Tấn Đức - Trưởng ban quản lý chợ Tân Thạnh chưa có bằng cũng có người "gợi ý" đi thi.

Tuy nhiên, ông Đức nhất quyết không tiếp tay tiêu cực. Trước khi đoàn "thí sinh" đi thi, tại cuộc họp tiếp xúc cử tri ở thị trấn Tân Thạnh, bà Nguyễn Thị Thu - vợ ông Minh bức xúc phản đối chuyện thi "bảo đảm đậu" của cán bộ.

Nhưng thay vì cho kiểm tra, ông Ngô Phước Sánh - Chủ tịch UBND thị trấn lúc đó, lại nói: "Chỉ đạo của huyện là làm sao thì làm, miễn có bằng thì thôi!".

Sau lần thi này, hơn chục cán bộ của huyện Tân Thạnh đều tốt nghiệp, được thăng chức và tiếp tục theo học lên đại học. Riêng ông Nguyễn Ngọc Minh bị giáng chức xuống làm nhân viên… quản lý giao thông nông thôn. Cùng lúc, ông Dương Tấn Đức từ Trưởng ban quản lý chợ bị giáng xuống thành… nhân viên.

Sau khi hàng loạt vụ sử dụng bằng giả được phát hiện, huyện Tân Thạnh cũng rà soát lại và bước đầu phát hiện có 24 bằng giả được cán bộ sử dụng. Đáng chú ý, ông Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thạnh Nguyễn Văn Việt cũng dùng bằng giả. Vụ việc bị phát hiện, ông Việt chỉ bị khiển trách. Còn ông Nguyễn Văn Nhẹ - người được bổ nhiệm thay thế ông Nguyễn Ngọc Minh ở vị trí Chỉ huy trưởng quân sự thị trấn vẫn chưa có bằng tốt nghiệp THPT.