Học sinh, sinh viên ngơ ngác
SV nghèo giờ không được hỗ trợ miễn giảm học phí trực tiếp (ảnh chụp tại ĐH Bách Khoa HN). |
Em Lê Thị Duyên (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), sinh viên (SV) năm thứ 3 Trường Công nghệ Bưu chính viễn thông TP.HCM thuộc đối tượng miễn học phí vì là con bệnh binh nặng. Tuy nhiên, bắt đầu từ kỳ 1 năm thứ 3, Duyên được thông báo là phải đóng học phí trước khi thi học kỳ. Duyên cho biết: “Nhà trường không giải thích vì sao lại phải đóng học phí, cũng không nói là sẽ được nhận lại tại địa phương nên em cứ tưởng là sẽ không được miễn học phí nữa. Thông báo về cho bố mẹ gửi tiền đóng học, bố mẹ cũng giật mình không biết vì sao?”.
Thuộc đối tượng hộ nghèo được miễn giảm học phí, em Nguyễn Vân Anh (Nghĩa Đàn, Nghệ An), SV năm 2 ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng bất ngờ về quy định mới: “Nhà em ở bản, cách xa trung tâm huyện, kiểu chi trả học phí như vậy đi lấy cũng vất vả. Sao tự dưng lại phải làm khổ sinh viên nghèo như vậy?”- Vân Anh bức xúc.
Ngay khi Trường ĐH Bách khoa TP. HCM thông báo về quy định đóng học phí mới, trên diễn đàn của trường rất nhiều SV phản ứng: “Tự nhiên cũng cùng một mục đích nhưng phải qua 2 khâu, đóng tiền rồi mới cho lãnh tiền lại. Mà nghĩ tới cảnh đóng tiền mình phát ớn, phải chờ dài cổ mới đóng được”. Một SV khác nêu: “Học phí thì phải đóng rồi lại làm đơn nhận lại, trong khi địa phương chẳng biết khi nào chi trả”.
Trường, địa phương lúng túng
Vì sao một chính sách đang thực hiện trơn tru lại được sửa đổi theo hướng rườm rà hơn cho SV? Theo giải thích của Bộ GD&ĐT, trước kia trường là đơn vị xét duyệt và chi trả tiền miễn giảm học phí cho sinh viên thì nay phòng LĐ-TB&XH địa phương thực hiện bởi phòng này là đơn vị thu nhận đơn miễn giảm, xét duyệt, quyết định miễn giảm học phí và cấp tiền cho đối tượng chính sách. Cách làm này nhằm giúp Phòng LĐ-TB&XH quản lý được đối tượng bảo trợ trên địa bàn và quy về một mối nguồn hỗ trợ của nhà nước.
Tuy vậy, cách làm này lại bị chính các Phòng LĐ-TB&XH kêu ca bởi các trường đã thực hiện thu học phí từ đầu năm học (tháng 9–2010) nhưng đến tháng 12 nhiều địa phương vẫn “lúng túng” vì chưa biết cách chi trả. Theo ông Nguyễn Nam, Phòng LĐ-TB&XH huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An): “Chúng tôi chưa nhận được công văn nào về việc thực hiện mà chỉ nghe phổ biến miệng nên không biết thực hiện thế nào mà cũng chưa có nguồn để chi trả”. Theo ông Nam, cách làm này chỉ thuận lợi khi địa phương có sẵn nguồn kinh phí và chủ động được nhân lực chi trả chính sách.
Ông Nguyễn Văn Thông – Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên – ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cũng bày tỏ: “Biết là SV của mình sẽ gặp nhiều khó khăn hơn với quy định mới nên trường đã cho các SV trong diện miễn giảm gia hạn đóng vào cuối năm học, đảm bảo các em không bị đình chỉ học vì chưa đóng học phí”. Hiện, cả trường này có 3.000 SV thuộc đối tượng chính sách nhưng hiện nay chỉ còn 400 em gia hạn thời gian đóng học phí. Ông Thông cũng cho rằng: “Các trường cần linh hoạt trong quy định để không gây khó khăn cho các em, bởi thực tế đây là những đối tượng nhạy cảm và có hoàn cảnh đặc biệt”.
Thiên Hà