Nhằm tránh việc xác Khăm Bun bị phân hủy gây ô nhiễm, ngay sau khi tiếp nhận, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) đã khẩn trương tiến hành xử lý xác voi để làm thành mẫu vật trưng bày phục vụ tham quan.
Để có được những số liệu tham khảo quan trọng cho việc khôi phục lại chính xác mẫu vật voi Khăm Bun, đầu tiên bảo tàng đã thực hiện cân đo và chụp ảnh ở nhiều góc độ đối với nguyên mẫu này. Các công đoạn tách xẻ thịt, lột da và lấy xương voi ngay sau đó mới được tiến hành.
Tách xẻ thịt để lấy xương voi. Ảnh: Khánh Linh |
Quy trình nhồi thú gồm hai khâu chính là xử lý sơ bộ và xử lý chi tiết.
Tại khâu xử lý sơ bộ, các nhân viên phòng Chế tác Vật mẫu & Thiết kế Trưng bày của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã mất hơn 6 tiếng để mổ lấy được phần da voi. Da voi sau khi lột được xử lý hóa chất, sau đó được nạo sạch hết lớp thịt và mỡ dính vào da để tiếp đó mang đi thuộc mềm.
Đặc biệt, các bộ phận như vòi, tai, đệm chân, đuôi… đều phải được tiêm formol cố định. Phần thịt voi được tiêu hủy đúng cách, trong khi đó phần xương voi Khăm Bun cũng sẽ được xử lý để làm thành một mẫu vật mô hình bộ xương voi.
Xử lý phần da vùng đầu voi |
Khâu xử lý sơ bộ này sẽ mất khoảng 1 tháng. Tiếp đó, tốn nhiều thời gian và công phu hơn sẽ là khâu xử lý chi tiết, chế tác. Những người thực hiện trước tiên phải nghiên cứu để tạo một tư thế sống động cho voi Khăm Bun, quyết định hình dáng của nó khi biểu hiện ở mẫu vật.
Từ thiết kế này, một bộ khung cốt bằng thép sẽ được dựng lên với bốn chân, xương sống và xương sườn. Sau đó, các lớp lưới dày, rồi lớp lưới thưa hơn đều bằng thép hoặc thép trắng kẽm sẽ được hàn quanh bộ khung cốt.
Tấm da voi đã thuộc cuối cùng sẽ được mặc lên bộ khung cốt này và khâu lại. Các vật liệu bông và mút nếu cần có thể được sử dụng thêm bên dưới lớp da phủ để giúp mẫu vật trông tròn trịa, tự nhiên hơn.
Nguyên tấm da voi vừa bị lột |
Mẫu vật sẽ đẹp hơn nếu con voi lành lặn
Trao đổi với Dân Việt, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, PGS.TS. Phạm Văn Lực khẳng định: Nếu con voi lành lặn thì khi nhồi sẽ cho ra thành phẩm đẹp hơn. Một điều hết sức bất ngờ là xác voi Khăm Bun khi được bảo tàng tiếp nhận đã bị cắt rời một chân trước. Theo giám định, chiếc chân này đã bị hoại tử từ bàn chân lên đến khớp vai.
Mặc dù vậy, ông Lực cho biết vẫn có thể thực hiện được việc dựng mẫu vật, dù mẫu vật có thể sẽ không được đẹp.
Trước câu hỏi về việc khi nào mẫu vật voi Khăm Bun được hoàn thành, PGS.TS. Phạm Văn Lực thẳng thắn bộc bạch: Hiện nay, bảo tàng mới chỉ tính đến khâu xử lý sơ bộ nhằm bảo quản được da và xương voi. Khâu xử lý chi tiết, chế tác sẽ được tính đến sau, tùy thuộc vào điều kiện tài chính, khối lượng công việc của bảo tàng và tính chất quan trọng của mẫu vật.
Ông Lực cũng giải thích thêm rằng mẫu vật sau khi dựng xong dự kiến sẽ được đưa vào nhà trưng bày của bảo tàng để phục vụ công chúng tham quan. Tuy nhiên, ngày đó còn rất xa xôi khi mà đến thời điểm này, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vẫn chưa được giải quyết xong về việc cấp địa điểm xây dựng.
Khánh Linh