Ông Đặng Thanh Long và tủ sách tại nhà mình. |
Về quê, thấy nhu cầu tìm hiểu kiến thức chăn nuôi, trồng trọt của bà con lớn, ông Long có ý tưởng lập tủ sách. Ý tưởng này được Ban cán sự xóm và bà con ủng hộ. Mỗi hộ tự nguyện góp 30.000 đồng để xây dựng tủ sách của xóm.
Thư viện huyện cũng luân chuyển về tủ sách 20-30 cuốn sách. Song ngần ấy không đáp ứng được nhu cầu bạn đọc. Ông khăn gói lên đường xin sách báo. Với chiếc xe đạp cà tàng, ông đến khắp nơi, từ Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Hội ND, Hội Phụ nữ huyện, TP Vinh, tỉnh Nghệ An để xin sách báo. Có hôm gặp trời mưa gió, ông dành áo mưa "mặc" cho sách, báo. Nửa đêm ông mới về đến nhà, xe xẹp lốp, người ướt như chuột lột nhưng sách báo không hề hấn gì.
Tủ sách được đặt tại nhà ông. Căn nhà cấp bốn chật chội, ông dành hẳn một gian cho tủ sách và mua bàn ghế cho bà con ngồi đọc sách, báo, tivi… Gian giữa dành làm nơi cho bà con trong xóm giao lưu cờ tướng. Bạn đọc của tủ sách đủ lứa tuổi, từ những cụ già trên 80 tuổi đến các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Bạn đọc thường xuyên của tủ sách kể đến cụ Nghĩa, cụ Hồng, bác Toản, cháu Thông... Bà Lê Thị Hoè (vợ ông Long), các cô con gái, 3 cô con dâu vừa là độc giả, vừa là thủ thư phục vụ nhu cầu mượn, đọc, vừa nấu nước chè để phục vụ miễn phí bạn đọc.
Không chỉ bà con trong xóm, nhiều người từ các xóm khác cũng đến nhà ông đọc sách, báo. Ông Long bộc bạch: "Tôi mong sao ngày càng có nhiều bạn đọc để tiếp thu nhiều kiến thức, áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần xoá đói giảm nghèo. Trong số các báo của tủ sách, báo Nông thôn Ngày nay được rất nhiều người tìm đọc”.
Cần mẫn như con ong hút mật, 10 năm "vác tù và hàng tổng", tủ sách của ông đã có trên 600 đầu sách. Nhà Văn hoá xóm Cầu Trôi vừa xây dựng xong, tủ sách đã được chuyển đến nhà văn hóa. Với các cụ cao tuổi không có điều kiện ra nhà văn hoá đọc, mượn sách, báo vẫn có thể đến nhà ông Long để đọc. “Tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ bé cho quê hương”- ông Long bày tỏ.
Quốc Kỳ