Khu vực bị sạt lở ở Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh chụp ngày 12-8. |
Chạy đua với… “Hà Bá”
Từ đầu năm đến nay, dọc các tuyến sông Tiền, sông Hậu đã xuất hiện nhiều “điểm nóng” về sạt lở với những đoạn sạt lở ăn sâu hàng trăm mét và kéo dài hàng chục km dọc tuyến sông. Theo dự báo của các cơ quan chức năng, khi mùa lũ vào cao điểm (khoảng tháng 9 tới), tình hình này sẽ càng phức tạp và nghiêm trọng.
Tại Đồng Tháp có đến 37 xã, phường bị sạt lở tấn công với tổng chiều dài gần 200km. Tính đến đầu tháng 7 vừa qua, chỉ riêng ở huyện Hồng Ngự và Thanh Bình (hai điểm nóng sạt lở đầu nguồn sông Hậu), đã có hơn 6ha đất biến mất dưới lòng sông, gần 60 căn nhà bán kiên cố bị hư hại hoàn toàn hoặc di dời với tổng thiệt hại do sạt lở gây ra gần 3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường - Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT)
Theo thống kê, Đồng Tháp còn trên 2.000 hộ dân sống cách bờ sông đang sạt lở chưa tới 20m rất nguy hiểm. Gần 2.200 hộ khác nằm trong danh sách chịu tác động và có nguy cơ phải di dời. Tại An Giang, chỉ riêng xã Vĩnh Hòa (huyện Tân Châu), từ năm 2009 đến nay ước tính đã có hơn 40ha đất bị sạt lở làm hàng trăm hộ dân mất nhà hoàn toàn.
Tại huyện Chợ Mới (một trong những huyện vùng đầu nguồn), dòng chảy mạnh bất thường của khu vực ngã ba sông Vàm Nao và sông Hậu đã tạo nên những hố đất sâu từ 40-50m, đe dọa nghiêm trọng hàng trăm hộ dân và tiểu thương khu chợ Mỹ Hội Đông.
Trong khi đó tại Sóc Trăng, theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh này có 16 điểm sạt lở ảnh hưởng tới hơn 3.200 hộ. Gần 15 nghìn dân đang cần hỗ trợ để di dời vào nơi ở mới để đảm bảo tính mạng và tài sản trong mùa mưa lũ này.
Cồn Sơn - “đảo ngọc” của thành phố Cần Thơ từ 2009 đến nay đã có hơn 30ha đất cũng đã trôi tuột xuống lòng sông. Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai TP.Cần Thơ, hiện tại địa bàn toàn thành phố đang xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở mới, cường độ ngày càng mạnh, phân bố dọc tả ngạn sông Cần Thơ đến khu vực cù lao Lục Sĩ Thành (giáp Vĩnh Long), hữu ngạn sông Hậu và thượng lưu cầu Cần Thơ.
Giao thông tê liệt
Nằm dọc theo kênh, QL91 luôn nằm trong “tầm ngắm” của thủy thần. Mỗi lần sạt lở, giao thông trên tuyến huyết mạch này gần như tê liệt. Đường ống nước nằm cặp theo QL91 cũng bị phá vỡ khiến hàng nghìn hộ dân trong khu vực phải dùng nước sông. Người dân địa phương cho biết, khu vực bị sạt lở ngày 11-8 đã từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng trước đây, đã được xây kè bảo vệ nhưng do áp lực của dòng chảy quá lớn nên kè bảo vệ cũng bị cuốn mất.
Trong khi đó, khu vực sạt lở làm đứt hẳn mặt QL 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú vẫn chưa khắc phục hoàn toàn thì sạt lở lại leo thang và đe dọa tuyến quốc lộ cặp bờ sông. Anh Trần Huy Bình – chuyên thu mua hàng nông sản từ An Giang về Cần Thơ cho biết, lâu nay anh thường chở hàng bằng xe tải lớn. Nay các vụ sạt lở liên tục xảy ra, anh đang cân nhắc chuyện chở hàng bằng ghe dù biết là mất thời gian hơn.
Dọc theo kênh Chợ Gạo (Tiền Giang), đường giao thông toàn tuyến ngày ngày rơi xuống sông thấy rõ. Hiện tại, nhiều đoạn đường đã lùi sâu vào trong hang chục mét nhưng thủy thần vẫn không tha. Nhiều nhà dân đã dời đến lần 2, lần 3 và vẫn đang phải chuẩn bị di dời.
Ông Mười Mong, sống cặp kênh Chợ Gạo cho biết, trước đây thương lái cho xe tải vào tận vườn cây thu mua nông sản. Nay đường đã bị “nuốt”, dân muốn bán gì đều phải chịu khó chở bằng xe gắn máy ra đường nhựa, gần QL50 thì thương lái mới chịu mua…
Tại Cà Mau, gần 100km đê biển tây đang bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều điểm bị sạt lở vào tới chân và thân đê. Theo ngành thủy lợi tỉnh Cà Mau, đê biển sạt lở không chỉ ảnh hưởng đến giao thông mà còn uy hiếp trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Trần Anh Thư - Phó Giám đốc Sở TN-MT An Giang, năm nay sạt lở ở An Giang tăng thêm nhiều điểm mới. Mùa lũ, khi nước từ thượng nguồn đổ về nhiều làm tăng nguy cơ sạt lở do có sự vận chuyển vật liệu đi nơi khác nhiều hơn. Sạt lở cũng sẽ dữ dội hơn sau khi lũ rút.
An Giang - Hoàng Mai - Hữu Danh