Nói về lễ tết và tổ chức để chăm sóc các em có lẽ chúng ta không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Mỗi năm, khi ánh trăng rằm vằng vặc rót xuống từ trời cao, chúng ta lại thấy những đoàn xe chương trình ăn Tết Trung thu với trẻ nghèo ở phố hay làng xa xóm vắng.
Cách tổ chức “ăn Tết Trung thu” khắp nơi thường giống nhau, với những lời phát biểu, những món quà và cung cách tổ chức giống nhau, năm nào cũng thế. Qua những cách bày tỏ tình yêu với trẻ con, qua các ngày Tết dành cho thiếu nhi, người ta “diễn” nhiều hơn thực chất, thiếu sáng kiến mới mẻ.
Có vẻ như là, về mặt xã hội, nhiều nơi chúng ta chăm sóc trẻ con vì nhiệm vụ, vì chính sách chứ không phải từ trái tim nồng nàn. Chỉ trong gia đình, trong vòng tay ông bà cha mẹ, các em mới được hưởng những ân huệ Trời ban cho những thiên thần nhỏ tuổi. Điều ấy cũng đương nhiên, không có gì lạ.
Nhưng nếu chỉ trông chờ vào gia đình, phó thác việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho gia đình, trong khi xã hội thiếu sáng kiến và “thực lòng” thì lại phải chấp nhận những nghịch lý có sẵn của tình trạng cũ.
Vì nghèo và kém hiểu biết (hậu quả đương nhiên của cái nghèo), trẻ em nhà nghèo thường bị lạm dụng sức lao động. Phần lớn những vụ lạm dụng, bạo hành trẻ em là từ trong các gia đình nghèo và xảy ra thường xuyên hơn, nhiều hơn ở nông thôn và miền núi. Đồ chơi của trẻ con nhà giàu ở thành phố chất đống, mỗi em sở hữu vài chục, hay cả trăm bộ quần áo và gấu bông...
Tết Trung thu bánh trái hoa quả ăn không hết phải đổ đi. Trong khi đó, con nhà nghèo, con cái nông dân phải chật vật lắm để có đủ sách giáo khoa hay vở tập, các em thèm thuồng nhìn bạn nhà giàu chơi đùa, nghỉ ngơi trong đống đồ chơi và tiện nghi thừa thãi. Trăng Trung thu vẫn chưa sáng chung cho mọi trẻ em!
Cái hố giàu nghèo ấy rất khó san lấp, nếu làm được cũng phải mất thời gian nhiều thập kỷ, mà trẻ em hôm nay là tương lai đất nước ngày mai, không thể chờ đợi. Cho nên xã hội, trong khi chưa thể làm được nhiều cho tất cả, chưa thể xóa bỏ được bất công, cần phải dành cho trẻ em – không phân biệt giàu nghèo, nông thôn hay thành thị - những ưu ái, ưu tiên thiết thực, hiệu quả hơn là chạy theo những hình thức bề ngoài.
Với nhiều trẻ em trên đất nước ta, Trung thu không cần là “trăng sáng như gương” hay bánh nướng bánh dẻo mà làm sao không bị đánh đập, bòn rút sức lao động, là một cái góc học tập tối thiểu, là cái bụng không lép xẹp trước khi tới trường.
Sông Thao