Dân Việt

Không giữ nghề để làm giàu riêng mình

08/07/2012 06:42 GMT+7
(Dân Việt) - Đi học để có kiến thức sản xuất trên 13ha trang trại; làm thành công thì hướng dẫn, dạy bà con trong xã cùng làm... Đó là cách ông Trần Xuân Vịnh (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, Kon Tum) nhân rộng mô hình VAC của mình.

Bám trụ ở vùng đất khó

Sau 8 năm làm việc ở Tổng cục Kỹ thuật (Hà Nội), năm 1975 ông Trần Xuân Vịnh trở về quê hương Ân Thi, Hưng Yên. “Lúc ấy đất nước vừa thống nhất, cuộc sống rất khó khăn. Nếu cứ ở quê làm ruộng thì khó lo cho các con còn đang tuổi đi học. Vậy là tôi quyết định rời quê hương”- ông Vịnh chia sẻ.

img
Chồn đen đem về cho ông Vịnh không ít tiền.

Đi ròng rã từ Bắc vào Nam, tham quan các trang trại lớn nhỏ trong cả nước, học cách nuôi các loại động vật đặc sản... cuối cùng ông đã quyết định bám trụ ở vùng đất cằn đá cỗi xã Đăk Hring để xây dựng kinh tế.

Ông Vịnh nhớ lại: “Ban đầu, tôi mua 40 con chim bồ câu Pháp giống ở Ninh Bình đem vào nuôi. Nhưng do không biết cách chăm sóc, mặt khác bồ câu Pháp là loài ăn tạp, lượng thức ăn nhiều gấp 2 - 3 lần bồ câu thường, vì vậy loài này không thích hợp với tôi trong điều kiện nguồn vốn hạn chế”.

Không bỏ ý định làm giàu, ông vay bạn bè 27 triệu đồng để xây dựng mô hình trang trại VAC tổng hợp trên diện tích đất 2ha của gia đình. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm gần xa, tìm tài liệu để đọc, đến nay ông đã mở rộng trang trại lên 13ha, nuôi thêm các loài đặc sản như 100 con chim trĩ, 250 con chồn lông đen, 6 con nai, 10 con kỳ đà. Hiện trung bình mỗi năm, khu trang trại đem về cho gia đình ông 2 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động (thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng) và 10 lao động thời vụ.

Nhân nghề, sẻ nghiệp

Ngoài chăm lo cho trang trại của gia đình, ông Vịnh tích cực tham gia cùng với Hội ND xã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất; vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, trồng trọt; giúp các gia đình khó khăn con giống; nhân nghề cho các gia đình có nhu cầu học...

Năm 2011, Trung tâm Dạy nghề huyện Đăk Hà phối hợp với Phòng LĐTBXH và Hội ND huyện tổ chức đào tạo và cấp thẻ học nghề cho 1.580 học viên với các ngành nghề: Trồng trọt, chăn nuôi thú y, chế biến nông sản, thu hái cà phê.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (tổ dân phố 6, thị trấn Đăk Hà) là một trong số các gia đình nhận con giống và được tư vấn kỹ thuật từ ông Vịnh. Chị Tuyết cho hay, chồn lông đen là vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao bởi dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cỏ voi và cám tổng hợp, nuôi trong diện tích hẹp nên không phải đầu tư lớn về chuồng trại. Ngoài ra, loài chồn này chống chịu bệnh tật tốt và đặc biệt là sinh sản nhiều (4- 5 lứa/năm), trung bình mỗi lứa 4 - 5 con.

Chị Tuyết chia sẻ: “Ban đầu tôi nhận 4 con giống của ông Vịnh về nuôi thử, sau 1 năm đàn chồn lên đến hơn 100 con. Tôi tiếp tục nhân giống bán cho bà con có nhu cầu nuôi và các nhà hàng. Hiện giá bán trên thị trường là 300.000 đồng/con (3 ngày tuổi), chồn lông đen trưởng thành có giá 700.000 đồng/con”.

Nhiều nông dân ở huyện Đăk Hà rất tự hào về ông Vịnh - người thầy, người bạn quý của họ được đại diện cho nông dân huyện về thủ đô dự Hội nghị ND sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc hồi tháng 5 vừa qua.