Nhưng ở gốc đa đông người hơn, có cả đàn vịt đang thỏa sức đi mò thóc nướng (vì đốt rơm rạ), nhưng chuyện trò vẫn nhát gừng, chẳng đâu vào đâu.
- Bác vừa đưa cháu đi thi đại học trên tỉnh về hay sao mà trông phờ phạc như “bã thuốc” thế?
Ông được hỏi không trả lời. Một ông khác lên tiếng:
- Để cho lão ta hoàn hồn đã. 2 tuần ở nhà nghỉ, 10 ngày vào lò luyện với con, 3 ngày đưa đón chầu chực ở cửa trường thi, cả vụ này coi như dành thu nhập cho “sự nghiệp trồng người”, từ giờ đến mùa là giáp hạt dài ngày đây.
- Nếu nó đỗ là một cuộc “Chiến tranh vùng Vịnh” 4- 5 năm nữa. Ấy là chưa nói “Đi học đã thấy đau gan/Ra trường mới biết gian nan còn nhiều”.
- Biết làm cách gì được? Ở nhà làm ruộng coi như hết của. Bố mẹ cũng nông nhàn là chính. Phải cố mà học lấy tấm bằng về để “công nghiệp hóa nông thôn”.
- Công nghiệp công ngung gì, lão không rõ- cụ lão nông lên tiếng, nhưng nếu cứ tình trạng nông dân bán rẻ, người tiêu dùng mua đắt như hiện nay thì chỉ có thương nghiệp hóa thôi. Báo người ta nói ở Long An người trồng chanh bán cho thương lái 3.000 đồng/kg, về các chợ lẻ ở thị xã đến 25.000 đồng/kg. Chênh nhau một trời, một vực!
- Người ta đã vẽ ra công thức 4 dấu cộng (+). Ví dụ một con gia cầm như gà từ trại nuôi đến trung tâm giết mổ là một cộng. Từ lò mổ đến bán buôn (sỉ) cộng thứ hai. Từ bán sỉ vào siêu thị cộng thứ ba. Cộng thứ tư là giá bán lẻ. Con gà đã lớn vụt lên gấp 2 lần khi còn ở chuồng gia chủ.
- Đấy là thịt gà sống, còn gà quay, gà rôti, lại nhà hàng có sao, phòng máy lạnh, ăn bằng ăn sâm Cao Ly...
- Có thể, cụ nói ra từ thương nghiệp làm nhà cháu giật mình- một ông nhìn cụ lão nông nói. Chủ trương đường lối bao giờ cũng từ đúng trở lên, nhưng để cho “bốn cộng”, cả một bộ máy ăn trên lưng nông dân và “chém” người tiêu dùng đủ kiểu (chưa tính thương lái nước ngoài nhảy vào cộng thêm một đòn nữa) thì phải xem lại...
- Xin quý vị lưu ý, CLB Gốc đa của ta là CLB “dưa lê”, bàn chuyện vĩ mô e trật đường ray.
- Vẽ chuyện, ta đang chạy xe tự chế, bánh lốp trên đường quê đầy ổ gà, ngoằn ngoèo, đường ray ở chỗ nào?
Lý Lão Làng