Dân Việt

Người có công còn lắm nhọc nhằn

09/07/2012 06:31 GMT+7
(Dân Việt) - Gần 400 đại biểu là người có công vừa về dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu năm 2012, với nhiều nỗi lo toan...

Bán vé số lo mồ mả cho đồng đội

Tại hội nghị, ai nấy đều khâm phục chị Phạm Thị Thao (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng), Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, bị thương tật 41%, đang là Chủ tịch Hội TNXP TP. Đà Nẵng.

img
Tại hội nghị, 375 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH.

Bằng ý chí và nghị lực, chị đã cùng Hội TNXP tìm được 10 hài cốt liệt sĩ. Vận động các cá nhân, tổ chức trợ cấp khó khăn cho 713 lượt hội viên, tặng sổ tiết kiệm cho 80 gia đình khó khăn cùng 20 sổ tiết kiệm cho các hộ bị nhiễm chất độc da cam với số tiền gần 800 triệu đồng...

Trải qua các cuộc kháng chiến khốc liệt, chị Đặng Thị Bảy (xã Long Hưng, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) trở về quê hương với thương tật 89%. Dù vậy hàng ngày chị vẫn rong ruổi đi bán vé số khắp nơi.

Sau mỗi buổi như vậy, chị cất số tiền kiếm được vào “ống heo” để thực hiện lời hứa với các đồng đội một thời: “Đến ngày độc lập, ai còn sống sẽ xây mồ, làm mả cho người nằm xuống”.

Với số tiền dành dụm từ bán vé số và tiền lương thương binh của mình, chị đã đóng góp 72 triệu đồng vào ngân sách xã để ốp gạch men lên 144 ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ xã.

Cuộc đời hào hùng trong quá khứ, nhọc nhằn trong hiện tại nhưng đầy cao cả, nghĩa tình của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Kpă Ó (huyện Chư Prông, Gia Lai), Mai Thanh Minh (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng)... đã làm xúc động bao người tại hội nghị.

Quan tâm hơn người có công

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” người có công đã được phát triển rộng khắp, như: Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

Từ năm 2007 đến nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã vận động được 1.263 tỷ đồng. Từ số tiền này, hàng năm T.Ư đã phân bổ, hỗ trợ cho các địa phương xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, ủng hộ gia đình chính sách gặp thiên tai bão lụt, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng giá trị lên tới 14,5 tỷ đồng...

Cả nước hiện có 8,8 triệu người có công, chiếm gần 10% dân số. Trong đó có 1.146.250 liệt sĩ. Hơn 3.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; trên 780.000 thương bệnh binh cùng 1.253 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động. Trong đó khoảng 187.000 người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học, 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày...

Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, đến nay, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phụng dưỡng đến cuối đời; 95% số phường, xã được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; hơn 96% số gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên.

Tuy vậy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vẫn nhắc nhở: Đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, nên mặc dù được Đảng, Nhà nước cùng toàn xã hội hết sức quan tâm hỗ trợ và giúp đỡ nhưng cuộc sống của một bộ phận người có công vẫn còn rất khó khăn.

Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương cần thường xuyên quan tâm thực hiện tốt hơn nữa chính sách thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với đất nước.