Đề xuất này nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản thuỷ sản 50% so với hiện nay và tạo điều kiện thúc đẩy ngành cơ khí trong nước phát triển.
Theo Bộ NNPTNT, qua 2 năm thực hiện các quyết định trên, đến nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có 12.234 máy gặt lúa, trong đó máy gặt đập liên hợp 8.694 chiếc, chiếm 71%, còn lại là máy cắt lúa xếp dãy. Diện tích lúa được gặt bằng máy cả vùng đạt 56%, một số tỉnh có cơ giới hoá thu hoạch cao như: Đồng Tháp 61%, Long An 95%, Vĩnh Long 76%, Kiên Giang 60%...
Nhiều nông dân vẫn chưa tiếp cận được với máy móc làm đất. |
Thu hoạch bằng máy bình quân 2,1 triệu đồng/ha, thấp hơn cắt bằng tay 900.000 đồng/ha. Tổn thất ở khâu này cũng giảm xuống từ 5,6% xuống còn 2%. Với các loại máy khác, khả năng thu hoạch từ 200-300ha/năm, người đầu tư mua máy làm dịch vụ có thể hoàn trả được 100% vốn vay trong vòng 2-3 năm.
Tuy nhiên, theo Quyết định 63, máy móc thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ phải sản xuất trong nước lớn hơn 60% nên phần lớn nông dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Trong khi đó, nhu cầu thay thế máy cũ bằng máy mới ngày càng lớn song giá trị đầu tư cao, vượt quá khả năng của người nông dân nên cần thiết phải điều chỉnh chính sách, giúp người dân đầu tư, phục vụ sản xuất.
Chính vì thế, Bộ NNPTNT đề xuất bổ sung vào Điều 1 của Quyết định 63: “Nông dân, người đầu tư các loại máy móc thiết bị có tên trong danh mục Bộ NNPTNT công bố được tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi hiện hành; Tổ chức hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu đầu tư một số loại máy móc thiết bị nhập khẩu mà trong nước chưa có khả năng đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng, ngoài danh mục được hưởng mức vay bằng 70% giá trị hàng hoá (ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất 70% trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 35% lãi suất) và thời gian thực hiện cho vay đến 31.12.2016”.
Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện để cho người dân dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn đối với chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch.
Thanh Xuân