Dân Việt

Cái lưng của nông dân

10/07/2012 19:20 GMT+7
(Dân Việt) - Nếu tìm hiểu về những hằng số không đổi của bản sắc dân tộc Việt mình, nhiều nhà nghiên cứu rút ra kết luận: Từ ngàn xưa, người Việt chỉ có hai lối thoát phổ biến là đi cày và làm quan!

Tất nhiên có nhiều người làm quan thì càng phải có nhiều người làm dân mới nuôi nổi họ. Tấm lưng của nông dân hàng trăm năm nay đã phải è ra cõng gánh nặng người làm quan. Quan nhiều như ong, không có việc làm thì quan phải vo ve, vẽ rết thêm chân, bày ra mọi việc để có cớ mà ăn lương cho đỡ…ngượng.

Vì thế mà có nạn quan liêu, nạn thu phí người nông dân như hiện nay. Xét cho cùng, một quả trứng gà, một con vịt phải qua 5 lần phí mới đến tay người ăn, một xã ở Thanh Hóa có 500 cán bộ được bổ thóc đầu dân để nuôi, tệ nạn thu phí tràn lan trong nông thôn nhiều năm nay đều do nạn quan liêu, cái máu quen ăn bám, tìm mọi cách để moi tiền, ngồi mát xơi bát vàng của nạn quan lại mà ra.

Tại sao con vịt phải xét nghiệm máu hai lần mới được đưa bán ra ngoại tỉnh? Tại sao một tờ giấy chứng nhận kiểm dịch phải mua tới 5 nghìn rồi 30 nghìn trong khi chắc chắn những cơ quan “gián tiếp” này đã được cấp giấy, cấp máy in bằng tiền ngân sách? Thu phí kiểm dịch rồi còn thu phí “giấy chứng nhận đã kiểm dịch” với giá cắt cổ là sao?

Với quả trứng cũng vậy, 5 lần phí đã ngốn mất 250 đồng, khi bản thân quả trứng chỉ bán được vài ba nghìn đồng. Phí kiểm dịch khi mua về, phí khi vận chuyển trên đường từ nhà máy đến nơi tiêu thụ, phí mua giấy kiểm dịch... Mà nghe nói “kiểm dịch” nhiều nơi chỉ là trò đếm trứng lấy tiền mà thôi. Đó là chưa kể phí bôi trơn vô hình vô ảnh ai cũng biết nhưng chẳng ai công nhận.

Tại sao người nông dân ở xã Quảng Vinh, Thanh Hóa làm ra 5 tạ thóc thì phải đóng đứt 1 tạ để nuôi 500 cán bộ các loại “đông như quân Nguyên” trong xã? Có ai giải trình được ổn thỏa cho nông dân rằng số cán bộ này đã làm gì cho họ, đưa lại quyền lợi gì cho họ mà bắt họ phải nuôi (ví dụ một cán bộ phụ nữ thôn được lĩnh 200kg thóc một năm v.v.).

Nhưng vấn đề không phải chỉ là thóc hay tiền. Hàng trăm cán bộ ăn lương rồi thừa giấy vẽ voi, rong chơi trong làng xã, hết họp hành lại đánh chén chẳng những làm oằn lưng nông dân mà còn là tấm gương xấu về đạo đức, về sự bất công, gây khinh ghét, bất bình cho những người nông dân lương thiện.