Dân Việt

Diễn viên Kinh Quốc: Được nông dân khen là mừng!

10/07/2012 20:19 GMT+7
(Dân Việt) - Kinh Quốc đã nhận được rất nhiều lời khen từ đồng nghiệp, khán giả với vai diễn ông nông dân Ba Ruộng trong phim “Lúa trổ bông” (đang phát trên HTV9). Với anh, việc hóa thân thành nông dân mà được nông dân chấp nhận là một hạnh phúc lớn trong nghề.

Chủ tịch xã “Hai Lúa”

Từ gần một tháng nay, nông dân miền Tây rất hào hứng với bộ phim “Lúa trổ bông” vì phim đã phần nào phản ánh đúng cuộc sống của người làm ruộng trong thời hiện đại. Bác Năm Ngò ở xã Vĩnh Bình (Chợ Lách, Bến Tre) nói với chúng tôi: “Coi phim này tui khoái nhất vai Ba Ruộng. Ông này là Chủ tịch xã Rạch Bần nhưng tính tình cương trực, đứng về phía nông dân, đúng chất “Hai Lúa” đó, nhà báo mà gặp chú diễn viên Kinh Quốc cho tui gởi lời cảm ơn nhen, nhắn chú hôm nào rảnh về Bến Tre cho nông dân bắt tay cái chơi”.

img
Kinh Quốc vào vai Ba Ruộng trong phim “Lúa trổ bông”.

Không phải chỉ có khán giả nông dân “khoái” vai Ba Ruộng của Kinh Quốc mà đạo diễn Xuân Phước và các đồng nghiệp của anh trong phim “Lúa trổ bông” cũng thừa nhận, Kinh Quốc đã hết mình để có được thành công của vai diễn này. Ít người biết, để vào vai cho đúng chất Ba Ruộng, Kinh Quốc đã phải phơi mình ngoài nắng để có nước da đen sạm, rồi anh để một bộ râu tua tủa cứng ngắc, tự chuẩn bị phục trang là những bộ quần áo đã bạc màu. Về ngoại hình là vậy, còn nội tâm nhân vật, anh cũng dành thời gian rất kỹ để nghiên cứu nhân vật.

Kinh Quốc cho biết: “Trước đây tôi cũng từng đóng nhiều vai nông dân trong các phim “Đất Phương Nam” hay “Chuyện tình trên dòng kênh xáng”, những công việc thăm đồng, xúc đất, chèo ghe, tôi không bỡ ngỡ lắm, tới hiện trường là làm quần quật chẳng khác gì nông dân đâu. Chỉ có điều về tâm lý, tôi phải chuẩn bị để vào vai Ba Ruộng, phải làm sao để thể hiện đúng chất “anh Hai” trong vai diễn này. Ông Ba là người thiết tha với cây lúa, yêu quý ruộng đồng và hạt thóc đã nuôi lớn bao người và bao đời, vậy nên kẻ nào xúc phạm ruộng, chà đạp hạt thóc, bóp hầu bóp cổ nông dân là ổng không chịu nổi”.

Ngoài việc đối diện với những kẻ hãm hại đồng ruộng, nhân vật của Kinh Quốc còn có một đời sống nội tâm vô cùng phức tạp, vợ bỏ nhà đi, để lại cho ông 2 đứa con. Đã thế, Ba Ruộng lại còn vướng vào mối quan hệ rất phức tạp với 2 người đàn bà tốt bụng, đó là cô Bí thư Đảng ủy xã Sáu Liên và cô hàng xóm xinh đẹp mặn mà Út Nhã. Ba Ruộng bị hàm oan, bị vu khống và cuối cùng là bị khai trừ khỏi Đảng. Nhưng điều mà Ba Ruộng đau đớn nhất là ông đã có lúc bị những người nông dân chân chất hiểu sai, nghi ngờ... Những cảnh quay lột tả tâm trạng của nhân vật trong phim đã ám ảnh Kinh Quốc suốt một thời gian dài, ngay cả khi phim đã đóng máy.

Khổ mấy cũng vui

Với Kinh Quốc, không nhiều người biết cái tên khá ấn tượng này chỉ là nghệ danh chứ không phải tên thật của anh- một chàng trai lớn lên trong một gia đình có nòi kinh doanh buôn bán ở Sài Thành. Mê nghệ thuật, Lê Trung Sơn (tên thật của anh) đã quyết định dẹp bỏ tiệm đồ kinh doanh điện tử để dấn thân vào cuộc sống nghèo khổ của một diễn viên không tên tuổi thuở ban đầu. Cái dáng thấp đậm của anh không hợp với những vai công tử, thành thử anh cứ phải xếp hàng để chờ vào những vai cá tính, kiểu “bựa bựa”, giang hồ... Vậy mà lần hồi, anh đến được với mấy vai nông dân và có lẽ được “tổ đãi” nên sự nghiệp ngày càng thuận lợi.

Kinh Quốc không gặp may mắn trong hôn nhân. Anh lập gia đình và có một con trai nhưng đã chia tay và hiện vẫn đang sống độc thân. Ngoài đóng phim, Kinh Quốc còn mở nhiều cửa hiệu kinh doanh như bán hàng ăn, cà phê, tạp phẩm...

Vào vai Ba Ruộng, Kinh Quốc nhớ mãi màn uýnh lộn với nghệ sĩ hài Thanh Tùng trong vai một tiểu thương đi mua lúa của bà con trong xã. Uất ức vì hạt lúa năm nắng mười sương vất vả của nông dân bị tư thương ép giá, ông chủ tịch xã Ba Ruộng xông vào đánh lộn, chẳng may... nặng tay ra đòn quá. Hết cảnh quay, diễn viên Thanh Tùng la oai oái, nói vui Kinh Quốc lợi dụng đóng phim để đánh người khiến ông suýt tắt thở. Hết cảnh đó, Kinh Quốc phải năn nỉ mời đàn anh một chầu cà phê để tạ lỗi vì “tội” đã nhập vai đạt quá mức.

Với Kinh Quốc, nhận lời tham gia làm một bộ phim về nông dân là phải chấp nhận những tháng ngày cực khổ, không nhàn nhã như những phim tình yêu tay ba, tay tư ở thành phố. Nhưng với anh, cực mà vui, và vô cùng hào hứng, vì mỗi lần đóng vai nông dân, anh được về với những vùng quê đang có rất nhiều chuyện phức tạp trong đời sống để sống cuộc đời của họ. “Chẳng phải gốc gác nông dân, vậy mà đóng vai nông dân vẫn được bà con khen là mừng quá đi chứ”- diễn viên Kinh Quốc tự hào.