Những kẻ ác khẩu
Câu chuyện buồn của 2 anh em Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Thị Dung ở thôn Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội cứ kéo dài, nhưng bố mẹ họ vẫn hy vọng vào một phép màu. Theo chị Mười, trong suốt thời gian qua, nếu không có bà con xóm làng tốt bụng nơi đây giúp đỡ, chắc hẳn vợ chồng chị chẳng thể “chống đỡ” đến ngày hôm nay.
Cố gắng đi vài bước là một nỗ lực của Cường và Dung. |
Lần nào cũng vậy, hễ sắp đưa con đi viện là anh chị lại chạy ngược xuôi vay mượn tiền. Bà con nơi đây tuy nghèo nhưng đều sẵn lòng giúp đỡ vài chục, vài trăm ngàn. Đưa ánh mắt về phía cuối làng, chị Mười nói tiếp: “Tôi cứ phải vay nóng bà con nơi đây như vậy rồi tích cóp trả nợ dần. Nhưng đến nay vẫn còn nợ khá nhiều, may mà người làng cũng chẳng ai đòi, cứ dồn được vài trăm ngàn là tôi mang đi trả nợ”.
Ông Nguyễn Đức Hà sống ở gần đó cho hay: “Ở cái thôn Thạch Đà này, ai cũng hết sức cảm thông chia sẻ với hoàn cảnh bi đát của vợ chồng anh Minh. Trước đây, bố của anh Minh là ông Nguyễn Văn Ý (hiện đã mất) có đi bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi nghi rằng Cường và Dung bị nhiễm chất độc da cam từ ông nội. Vậy nhưng có nhiều người ở tận đẩu tận đâu lại cứ tung tin đồn bậy bạ về căn bệnh của Dung và Cường là do “con ma ếch” hành(!?)”.
Số là, trong khi cả chục giáo sư, bác sĩ đầu ngành ở Viện Phục hồi chức năng còn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh và tên gọi của căn bệnh lạ kia thì nhiều kẻ xấu bụng lại kể như đúng rồi về việc khi chị Mười có bầu đã mua và ăn một con ếch to màu xanh, lớp da trên đầu con ếch gồ lên trông như "mào".
Những kẻ đơm đặt còn một mực khẳng định đó là “con ếch ma”, vì bị chị Mười giết nên “con ếch ma” đó đã trả thù bằng cách làm cho 2 đứa con chị Mười có hình dáng giống hệt… ếch(!?). Và họ còn gọi luôn con chị là “người ếch”!
Niềm hy vọng cuối cùng
Khoảng một năm trở lại đây, sức khỏe của Cường và Dung giảm sút rất nhiều. Tới bữa, họ cố gắng trệu trạo ăn hết bát cơm kéo dài cả tiếng đồng hồ. Dù rất đói nhưng Cường và Dung chỉ ăn được lưng bát là thấy khó chịu, tức thở. Có bữa cơm, thấy mẹ làm món ăn ngon, Cường cố ăn thêm một bát nhỏ cho mẹ vui lòng. Bất ngờ, ăn xong thì mặt mũi Cường tím tái vì không thở nổi. Khi đó, chị Mười vội bế con lên, xoa ngực, vỗ lưng. Từ bận ấy trở đi, mỗi lần ăn cơm là một lần kinh sợ với Cường.
Cách đây vài năm, Cường vẫn cùng em gái lọ mọ sang nhà bà nội ngay sát vách, nhưng bây giờ chỉ vài bước chân là anh em Cường đuối sức, mặt đỏ bừng, thở gấp. Tối đến, khi đi ngủ, Cường và Dung phải nhờ mẹ bế lên. Thời gian gần đây, cơ thể nhỏ bé của Cường lại bị căn bệnh phổi ác tính hành hạ. Mỗi khi trái gió trở trời, Cường đều tím tái mặt vì khó thở.
Sau đợt khám ở Bệnh viện Phổi Trung ương, vì chi phí thuốc thang vượt quá “tầm tay” nên vợ chồng chị Mười chỉ biết cắn răng nhìn bệnh tật hành hạ con. Mỗi khi mùa đông tới, trời trở lạnh khiến bệnh tình Cường trầm trọng hơn. Nhiều đêm, thấy con không ngủ nổi vì khó thở, vì thiếu thuốc, chị Mười lúc đó chỉ biết nuốt nước mắt vào trong lòng rồi an ủi vỗ về con suốt đêm…
Bỏ qua những tin đồn ác nghiệt, đến năm 1999, vợ chồng chị Mười tiếp tục sinh được Nguyễn Văn Hùng và đến năm 2005, anh chị tiếp tục có thêm một bé gái là Nguyễn Thị Hạnh. Hồi tưởng lại quãng thời gian sinh ra Hùng, chị Mười tâm sự đến tận bây giờ chị vẫn chưa quên được cảm giác lo lắng khi nuôi dưỡng Hùng.
“Cái ngày Hùng ra đời thì sức khỏe của nó rất tốt, đến năm Hùng được 3 tuổi, cảm giác lúc đó tôi lúc nào cũng như người đi trên dây vậy. Chỉ cần một trận ho, trận sốt nhẹ của cháu là 2 vợ chồng như chết đứng vì chỉ sợ Hùng lại mắc phải căn bệnh như anh chị nó”.
Mặc dù đến nay, Hùng và Hạnh đều khỏe mạnh và phát triển bình thường nhưng chị Mười vẫn lo về căn bệnh quái ác biết đâu một ngày nào đó lại ập tới và hành hạ hai đứa này – niềm hy vọng cuối cùng của vợ chồng chị…
Phước Long - Thanh Tuy