Không chỉ cô Khởi, mà hàng chục hộ gia đình ở xóm ngụ cư nghèo này đều chờ mong, hy vọng cô học trò nghèo đỗ đạt để sau này bớt khổ.
Ước mơ của người mẹ nghèo
Cô Khởi ngừng bán hàng để đợi con gái ở cổng trường Đại học |
Ngồi nghỉ tạm dưới hiên một ngôi nhà cao tầng trên phố Trần Quý Cáp, cô Vũ Thị Khởi (quê ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi trên trán. Cô cho biết đã ra Hà Nội lủng lẳng rổ hàng rong trước ngực đi bán được hơn 10 năm.
Quê cô thuộc xã miền biển Quảng Lưu - nơi mà nhà đông con hay ít con cũng chỉ được 9-10 thước ruộng. Mùa hè nước biển ngấm sâu vào đất liền, giờ lại thêm những người nuôi tôm dẫn nước biển vào, trồng cây gì cũng thấy héo hon, còi cọc.
Ra Hà Nội, một ngày cuốc bộ gần 20km của cô Khởi nếu khá thì lãi 50.000 đồng, ít hơn chỉ đủ tiền ăn với trả tiền trọ thuê. Trước bữa đưa con đi thi, vợ chồng cô đã bán đi 2 tạ thóc được gần 1 triệu đồng dắt lưng chuẩn bị cho con.
Hỏi cô có mừng không nếu con đỗ Đại học, người mẹ nghèo cười khắc khổ phân trần: “Vui chứ cháu. Nhưng cũng lo nhiều. Tháng cô đi làm, tằn tiện thì bỏ lợn được 1,5 triệu đồng là tốt. Con cô bảo nếu sau này thi đỗ vào khoa Sư phạm Văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ đi làm để không phải xin tiền bố mẹ, không đỗ Đại học thì sẽ về quê học Trung cấp Dược”.
Thương mẹ, Hoàng Thị Trang - con gái cô Khởi ngay khi vừa đặt chân đến đất Thủ đô cũng đã vội đi tìm việc. Hiện tại em đang làm thuê cho một quán bán quần áo trên phố Nguyễn Lương Bằng. Công việc không nặng nhọc nhưng Trang không còn thời gian để học, ôn nữa. Sáng em phải dậy sớm làm từ 8h đến 21h30 mới được nghỉ.
Sau khi đi bộ về khu trọ trên phố Nguyễn Phúc Lai, em chỉ kịp tắm giặt, ăn uống rồi đi ngủ vì xóm trọ toàn người lao động nên không được bật đèn quá muộn. Cô Khởi cho biết thêm: “Lương cháu họ hứa trả 2 triệu đồng/tháng. Trang mới làm được 15 ngày. Lúc xin vào đây cũng không dám nói sắp thi Đại học, sợ họ không nhận. Sắp tới đi thi cô phải bảo em nói gia đình có việc, xin về quê 3 hôm rồi lại ra”.
Giờ đây cô học trò nghèo vẫn đang tất bật với công việc thường ngày vừa để kiếm kế mưu sinh, vừa để nuôi giấc mơ có thể trở thành cô giáo dạy Văn.
Và những giấc mơ con
Cảnh sinh hoạt vui vẻ ở “đại gia đình rổ rá” mỗi tối |
Ở khu trọ của cô Khởi trên phố Nguyễn Phúc Lai, hàng chục người cùng quê ở Quảng Lưu sống quây quần bên nhau. Tối đến trong ngôi nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, người này nằm tựa lưng sát vào người kia mà ngủ. Mọi sinh hoạt đều được tiết kiệm đến mức tối đa. Mấy tháng hè, xóm nghèo bao giờ cũng đông và vui nhất.
Đặc biệt, vào những ngày giáp mùa thi Đại học, xóm trọ dường như đông vui hẳn. Không giấu được niềm vui, Trang cười tâm sự: “Ở đây ai cũng quý mẹ con em, có gì ngon mọi người cũng đều nhường em để mong em học giỏi thi đậu”. Trong hai ngày thi, Trang được ưu tiên, không phải làm bất cứ công việc nào và những người trong đại gia đình đã phân công ca kíp để đưa cô thí sinh nhỏ đi thi.
Đứng ngóng chị Trang đi thi còn có cậu bé Trần Ngọc Anh (sống cùng bà nội trong xóm). Mới học lớp 8 nhưng 4 năm nay, hè nào em cũng ra Thủ đô bán hàng cùng bà nội. Bà một rổ hàng, cháu một rổ hàng, bà bên này đường, cháu bên kia đường, cứ như thế xuyên qua bao con phố nhỏ. Cậu bé có số phận hẩm hiu khi bố mẹ chia tay lúc em chỉ mới 6-7 tuổi. Nắng gió miền biển khiến người em đen cháy, gầy nhẳng so với tuổi 14 của mình. Hỏi em lớn lên muốn làm gì, cậu bé hồn nhiên: “Em muốn làm sinh viên tình nguyện. Các anh chị có áo xanh đẹp lắm, lại giúp đỡ mọi người”.
Hai cô con gái của chị Trần Thị Thủy (36 tuổi) cũng hồ hởi nói chuyện thi Đại học. Hai em theo mẹ ra Hà Nội bán hàng mấy năm nay. Chị tần ngần rồi quả quyết khi được hỏi sau này các con muốn học và thi đỗ vào đại học sẽ cho con học tiếp không: “Cả đời này ai chẳng sống vì con. Tôi sẽ cố gắng nuôi con học đến khi nào không thể đi tiếp được thì mới thôi cô ạ”.
Cô con gái lớn của chị mong ước trở thành nhà văn, nhà báo để có thể viết về cuộc sống khổ cực và tấm lòng làm cha mẹ của mẹ, của các cô bác nơi xóm trọ nghèo này. Vì thế, cả xóm ai cũng mong chị Trang làm bài tốt để có thể làm tấm gương tuy nghèo mà vẫn học tốt, đỗ đạt cho thế hệ đàn em trông theo.
Minh Nguyệt