Dân Việt

Vedan cam kết trả đủ trong 5 tháng

14/08/2010 07:16 GMT+7
(Dân Việt) - Chiều 13-8, ông Yang Kun Hsiang - Tổng Giám đốc Công ty Vedan đã chính thức ký văn bản cam kết đền bù và thời hạn giải ngân cụ thể với đại diện của nông dân TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu.
img
 Vedan ký kết bồi thường với đại diện nông dân TP. Hồ Chí Minh vào chiều 13-8

Chấp nhận cho Vedan giải ngân hai đợt

Theo văn bản đã được ký kết, ông Yang Kun Hsiang - Tổng Giám đốc Công ty Vedan chấp nhận đền bù hơn 45,7 tỷ đồng cho nông dân bị thiệt hại ở TP.Hồ Chí Minh. Công Vedan sẽ thanh toán trước 50% số tiền chậm nhất là sau 7 ngày kể từ ngày ký và 50% còn lại sẽ thanh toán trong thời gian từ ngày 10 đến 14-1-2011. Toàn bộ số tiền trên sẽ được Hội Nông dân huyện Cần Giờ nhận, Vedan chuyển tiền vào tài khoản của Hội Nông dân huyện này.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi xác nhận Vedan chuyển tiền vào tài khoản, Hội Nông dân thành phố sẽ kết hợp với chính quyền, Hội Nông dân huyện Cần Giờ rà soát lại lần cuối danh sách cùng với số tiền thiệt hại của mỗi hộ rồi tiến hành phát tiền cho người thiệt hại. Theo ông Phụng, mỗi hộ được bồi thường sẽ nhận đủ 100% thiệt hại đã được xác định và sẽ không phải bỏ ra bất kỳ một khoản tiền nào khác.

Trả lời NTNN sau khi ký kết biên bản, luật sư Nguyễn Văn Hậu - một trong 4 người được nông dân và ngư dân Cần Giờ uỷ quyền ký kết với Vedan, nhấn mạnh: Ba nội dung chính được xác định tại biên bản ký kết đôi bên đã ràng buộc rất chặt chẽ là Vedan thừa nhận xả thải gây hại, Vedan chấp nhận bồi thường cho 839 hộ với số tiền hơn 45,7 tỷ đồng và thời hạn Vedan trả tiền được ghi cụ thể...

Riêng tại TP.Hồ Chí Minh, trong phạm vi chịu ảnh hưởng do Vedan gây ra theo xác định khoa học của Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi đã thẩm tra, xác định là hết, không còn người nào bị bỏ sót và số tiền mỗi hộ yêu cầu bồi thường cũng được xác định cụ thể nên không có chuyện họ tiếp tục kiện nữa. Còn những hộ nằm ngoài vùng đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên thì nếu họ kiện thì là việc khác... Lúc đó, việc thẩm định, xem xét chứng cứ là thuộc cơ quan tư pháp.

Đồng Nai thêm một lần chậm chạp

Trước đó, lúc 11 giờ cùng ngày, ông Yang Kun Hsiang đã cùng ông Trần Văn Cường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ký kết biên bản phương thức nhận đền bù cho nông dân tỉnh này. Tại biên bản này, Vedan chấp nhận bồi thường hơn 53,6 tỷ đồng cho 1.255 hộ bị thiệt hại tại huyện Tân Thành.

Vedan muốn người dân cho cơ hội sửa sai

Tại buổi ký kết biên bản chấp nhận bồi thường tại hai địa phương trên, ông Yang Kun Hsiang - Tổng Giám đốc Công ty Vedan cho biết: Qua vụ việc này Vedan đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Mong rằng người dân, chính quyền... ủng hộ để Vedan có điều kiện sửa sai, tiếp tục phát triển. Mong rằng nông ngư dân sớm nhận được tiền bồi thường để ổn định cuộc sống.

Theo đó, Vedan cam kết, thanh toán số tiền trên làm 2 đợt và thời điểm chi trả cũng giống như đã ký kết với TP. Hồ Chí Minh. Riêng số tiền trả đợt 2 của Vedan sẽ được Ngân hàng Bangkok, Chi nhánh TP.HCM bảo lãnh. Theo luật sư Ngọc, việc chứng thư bảo lãnh tại ngân hàng là rất chặt chẽ về mặt pháp lý mà không cần phải cam kết tại toà án. Nhờ thủ tục này, ngân hàng sẽ giữ tiền của Vedan, giả sử Vedan có phá sản đi nữa thì vào hạn chót, ngày 14-1-2011 ngân hàng vẫn được nhận tiền để trả cho người bị thiệt hại

Riêng tại tỉnh Đồng Nai, đến chiều 13-8 vẫn chưa có ý kiến gì về đề nghị của Vedan bồi thường hơn 119,5 tỷ đồng cho người bị thiệt hại tại tỉnh này. Ông Trần Như Độ - Chủ tịch Hội Nông dân Đồng Nai cho biết, khả năng đầu tuần tới, UBND tỉnh mới tổ chức họp để giải quyết vụ việc, bởi Chủ tịch UBND tỉnh đang công tác Hà Nội.

Trong một diễn biến liên quan, nông dân Nguyễn Lam Sơn (ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) vẫn bảo lưu quan điểm của mình quyết kiện Vedan ra toà.

Theo anh Sơn, dù Tổng cục Môi trường có yêu cầu nông ngư dân không kiện Vedan ra toà thì riêng anh vẫn cứ kiện, bởi theo tính toán, giá trị thiệt hại của những hộ trong vùng bị ảnh hưởng do Vedan gây ra cuả Viện Môi trường và Tài nguyên cũng chỉ đạt khoảng 25% so với hộ sản xuất của gia đình anh. “Luật sư tư vấn cho tôi đã cho biết, Tổng cục Môi trường không thể ngăn người dân kiện Vedan đòi bồi thường thiệt hại được...” - anh Sơn nhấn mạnh.