Người dân chở heo bệnh ra chợ bán cho thương lái (ảnh chụp ngày tại chợ Ea Phê, huyện Krông Pắc). |
Dịch bệnh tấn công miền Trung - Tây Nguyên
Đến ngày 15-8, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã có 49.619 con heo bị bệnh, trong đó số heo chết và tiêu hủy là gần 7.000 con với 69 xã, phường, thị trấn thuộc 10/15 huyện, thị, thành của tỉnh.
Ông Thủy Lệ Vũ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đăk Lăk cho biết: Hiện nay, bệnh heo tai xanh đang tiếp tục phát sinh nhiều ổ dịch mới với tốc độ lây lan rất nhanh. Chi cục Thú y đã triển khai các biện pháp chống dịch như: Khoanh vùng dịch, tiêu hủy gia súc chết, sát trùng tiêu độc vùng dịch, lập chốt chặn để ngăn ngừa hiện tượng bán chạy heo, tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong từng thôn, buôn ký cam kết thực hiện 5 không (không mua bán, không vận chuyển heo, thịt heo và các sản phẩm từ heo ra khỏi vùng dịch, không sử dụng thịt heo không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không giấu heo bị mắc bệnh, không vứt xác heo bừa bãi).
Ngoài ra, Chi cục đã cấp bổ sung 3.153 lít hóa chất sát trùng cùng với 250 đôi ủng, 250 bộ quần áo giấy, 3.000 đôi găng tay, 3.000 khẩu trang, đồng thời gửi phác đồ hỗ trợ điều trị bệnh cho các vùng bị dịch.
Tại Bình Định, trước thông tin dịch heo "tai xanh" bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bình Định trở nên e dè, ít sử dụng thịt heo trong bữa ăn hàng ngày, làm giá thịt heo giảm mạnh.
Thời điểm hiện nay, giá heo hơi ở mức khá thấp, chỉ từ 18.000 - 22.000 đồng/kg; giá thịt đùi ở mức từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với thời điểm trước khi xảy ra dịch. Không chỉ heo thịt giảm mạnh, heo giống cũng trong tình trạng ế ẩm vì đầu ra bị đóng băng, giá heo giống hiện chỉ còn 18.000 đồng/kg, giảm 7.000 - 10.000 đồng/kg.
Theo nhiều người chăn nuôi heo, với mức giá hiện tại, sau khi trừ chi phí người chăn nuôi bị lỗ vốn từ 4.000 - 6.000 đồng mỗi kg heo thịt.
Heo bệnh vứt bừa bãi là một nguyên nhân lây lan mầm bệnh. |
Nhiều địa phương lơ là, lúng túng
Tại Hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tai xanh các tỉnh phía Nam cuối tuần qua, tại TP.HCM, ông Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Đến nay, khu vực phía Bắc đã tạm thời khống chế dịch tai xanh, chỉ còn 2 tỉnh Lào Cai, Quảng Trị. Khu vực phía Nam (từ Thừa Thiên - Huế trở vào) đã có tới 18 tỉnh công bố có dịch.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát
Sở dĩ như vậy bởi một thời gian không có dịch, chính quyền và người dân một số địa phương đã chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch; công tác tiêm phòng các bệnh nguy hiểm ở heo đạt tỷ lệ không cao, từ đó góp phần làm cho dịch trầm trọng thêm. Khi dịch xảy ra, chính quyền nhiều nơi lúng túng trong xử lý.
Nhiều nơi cho rằng quy định hỗ trợ tiêu hủy heo dịch ban hành năm 2008 nay không còn giá trị nên không áp dụng. Từ đó người dân lúng túng bán đi heo đang bệnh với giá rất rẻ khiến dịch có cơ hội lan rộng.
Ông Năm thừa nhận, nhiều nơi đến khi người dân báo, ngành thú y mới biết là có dịch. Công tác giám sát dịch đã chưa được thực hiện hiệu quả, nguy cơ dịch tiếp tục lây lan là rất cao; khả năng có một đợt dịch mới.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát ghi nhận kinh nghiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch ở miền Bắc vừa qua, nhưng lưu ý mức hỗ trợ của các tỉnh vừa qua không đồng đều, khiến một số người dân, tư thương vận chuyển heo từ nơi hỗ trợ thấp đến nơi hỗ trợ cao, làm dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
Giữa giờ nghỉ của cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã mời mọi người cùng ăn món thịt heo đã chế biến, để khẳng định: Nếu áp dụng đúng và đủ các biện pháp thú y, đàn heo sẽ không nhiễm bệnh.
Huỳnh Văn - Nguyễn Hạnh - Nguyễn Hân