Những hộ dân Mường Vi (Bát Xát, Lào Cai) sống cùng với nỗi lo lũ quét. |
Vừa sống vừa run
Chúng tôi có mặt tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát (Lào Cai), nơi lũ quét, sạt lở vừa xảy ra. UBND xã Mường Vi vừa kết thúc cuộc họp khẩn cấp về việc xử lý như thế nào đối với khoảng 100 hộ dân sống bên miệng lũ quét, sạt lở. Trong số những hộ kể trên có 40 hộ bị trôi nhà, tài sản và lương thực do trận lũ quét trước đó mấy hôm gây ra.
Ông Trần Đức Pho - Chủ tịch UBND xã Mường Vi cho biết: “Kết luận của xã là 100 hộ trên phải di dời khẩn cấp, vậy nhưng di dời lúc nào và di dời đi đâu thì phải chờ sự chỉ đạo từ trên, hiện các hộ này vẫn phải sống ở đó thôi”.
Đến thôn Cửa Cải (xã Mường Vi) nơi chịu thiệt hại nặng nề của lũ quét, sạt lở, bà con đang dần ổn định lại cuộc sống. Tuy nhiên đây chỉ là cuộc sống tạm bợ. Ngay cạnh những xác nhà bị vùi lấp dưới đất đá là những túp lều được dựng tạm bằng phên nứa và bạt nilon.
Anh Đỗ Văn Hội, một hộ dân buồn bã: “Tan cửa, nát nhà, mất người thân rồi chúng tôi biết đi đâu bây giờ. Mà chuyển đi đâu cũng thế cả thôi, không thể khá hơn đâu, chỗ nào cũng lũ quét sạt lở, chỉ là chưa đến lúc thôi. Ở đây chúng tôi còn có làng xóm láng giềng giúp đỡ, đi chỗ khác ai giúp?”.
Tương tự, lũ quét cũng vừa xảy ra vào cuối tháng 7 ở xã Yên Thành, huyện Quang Bình, Hà Giang). Lũ quét đã vùi lấp 10ha lúa và hoa màu của xã, cứ sau một trận lũ quét là diện tích trồng lúa và hoa màu cứ teo tóp dần, bởi vậy dù diện tích của xã là 5.000ha, nhưng đất nông nghiệp nay chỉ có 256ha.
Anh Lù Đức Vinh, dân tộc La Chí, người thôn Khao cho hay: “Cuộc sống bà con cứ kiệt quệ dần sau mỗi trận lũ quét. Bên cạnh những ngôi nhà là bãi đá rộng mênh mông, đó là hậu quả của lũ quét, sạt lở đất. Cách đây mấy hôm nơi này còn là ruộng lúa và hoa màu, giờ không có gì ăn, người dân chỉ biết trông chờ những nương ngô còn sót lại”.
Phải sống với “tử thần” 5-10 năm nữa
Đó là tình trạng chung ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi người dân luôn phải đối mặt với lũ quét, sạt lở hàng năm.
Cũng như ở Lào Cai và Hà Giang, tỉnh Yên Bái là nơi có địa hình núi cao sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc, mưa cục bộ với cường độ cao, nên khi có mưa rào thời gian kéo dài từ 10 - 15 giờ hoặc mưa với cường độ cao từ 1 - 3 giờ là có thể phát sinh lũ quét. Mưa cục bộ tập trung trong thời gian dài, hơn nữa nhiều nơi mái ta luy của các tuyến đường và ta luy nhà ở vẫn chưa được đảm bảo theo quy định nên năm nào ở tỉnh Yên Bái cũng có hàng chục ngàn mét khối đất đá bị sạt gây chết người và ách tắc giao thông.
Từ đầu năm 2010 đến nay, tỉnh Yên Bái đã xảy ra 4 trận mưa lớn lũ quét, sạt lở khiến 5 người bị thương và gần 3.000 nhà bị sập đổ và hư hỏng.
Ông Trần Huy Tuấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Yên Bái cho rằng: “Qua điều tra, đánh giá, Sở NN&PTNT thấy có khoảng 7.000 hộ dân đang sinh sống tại những vùng thiên tai nguy hiểm đó và cần phải di chuyển. Tuy nhiên đến thời điểm này mới chỉ di dời được 900 hộ, số hộ còn lại khả năng phải đến năm 2020 mới có thể di chuyển hết đó là chưa tính số số phát sinh thêm từ giờ đến lúc đó.
Theo Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, địa phương cần phải di dời hơn 11.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tính đến nay, Lào Cai đã di dời được trên 5.000 hộ. Nhưng Hà Giang mới là tỉnh có số hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm lũ quét, sạt lở nhiều nhất, với tổng số hộ dân phải di dời là trên 17.000 hộ và dự kiến đến năm 2015 mới có thể di chuyển xong.
Đình Thắng