Dân Việt

Internet cho nông dân

17/08/2010 21:52 GMT+7
(Dân Việt) - Một nông dân ở Lào Cai muốn bảo hành máy vi tính của mình thì phải khiêng nó sang nơi xa cách hàng mấy trăm cây số với đường núi gập ghềnh hiểm trở, xe cộ khó khăn.

Đây là một câu Trung tâm bảo hành FPT Elead TP.HCM trả lời một người dân ở Lào Cai xa xôi khi người này than phiền là máy tính hỏng mà không thể bảo hành ở Lào Cai: "… Bạn có thể đem máy sang trung tâm bảo hành ủy quyền của FPT tại Sơn La (271 Chu Văn Thịnh, thành phố Sơn La) hoặc tại Lạng Sơn (DN T&T/6 Nguyễn Du, TP.Lạng Sơn…" (đăng trên tờ "Làm bạn với máy vi tính"). Như vậy là, một nông dân ở Lào Cai muốn bảo hành máy vi tính của mình thì phải khiêng nó sang nơi xa cách hàng mấy trăm cây số với đường núi gập ghềnh hiểm trở, xe cộ khó khăn.

Chuyện vặt thường ngày ấy làm chúng ta suy nghĩ về thái độ của các doanh nghiệp với sự phát triển công nghệ thông tin ở nông thôn hiện nay.

Nông dân là những người luôn đói thông tin, kiến thức. Họ tìm cách tự cứu mình rất khó khăn, nhất là những người sống ở vùng sâu và vùng xa. Nói cách khác, họ mất mùa ở trong đầu chứ không phải trên cánh đồng. Nhưng Internet và mọi lợi ích của công nghệ thông tin hiện đại hầu như đã quay lưng lại với họ. Ví như, FPT là hãng kinh doanh tin học (phần mềm và phần cứng) thuộc lớp hàng đầu của đất nước mà đến nay vẫn chưa có chân rết bảo hành ở một tỉnh khá năng động như Lào Cai! Máy tính là vật dụng dễ trở chứng hàng ngày. Bắt người ta đi hàng trăm cây số để sửa chữa hay bảo hành thì chẳng khác gì bảo vứt vào sọt rác và từ nay đừng có dùng máy vi tính nữa.

Như vậy là chỉ Hà Nội, TP.HCM và nhiều đô thị khác, nơi thông tin thừa mứa, thậm chí gây bội thực, mọi lứa tuổi đều được công nghệ thông tin "hầu hạ" đúng mức. Trong khi đó hầu như cả một vùng nông thôn rộng lớn bị bỏ ngỏ. Rất nhiều thôn xóm chưa có Internet. Không chỉ vì nông dân không có tiền mua, mà không doanh nghiệp nào chú ý phát triển hệ thống hậu mãi để khuyến khích người dân dùng máy tính.

Rõ ràng là, ngoài những việc mà các ngành phải làm ở cấp vĩ mô như phủ sóng và đường dây điện thoại (đương nhiên kèm theo là Internet trạm cố định hay 3G), chúng ta nên có một chiến lược nhằm phát triển Internet và công nghệ thông tin ở nông thôn. Chẳng hạn như một chương trình dài hạn của Bộ NN&PTNT hay của các hội khoa học kỹ thuật, có sự tài trợ của ngân sách quốc gia và các doanh nghiệp kinh doanh công nghệ thông tin. Thị trường này còn có nhiều tiềm năng đang chờ được đánh thức.

Nếu khu vực nông thôn còn trắng Internet như hiện nay, liệu có thể gây được lòng tin vào lộ trình năm 2020 chúng ta sẽ hoàn thành công nghiệp hóa?