Học nghề thủ công tại Bà Rịa Vũng Tàu. |
Nhìn những bình bông, con thú, giỏ xách tinh xảo được kết từ những hạt cườm, không ai có thể đoán được đó là những sản phẩm được làm ra từ bàn tay của những người nông dân trước đây chỉ quen cầm cuốc, cầm cày. Chị Nguyễn Thị Hạnh (ở thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) phấn khởi: “Hôm qua, vừa có khách hàng tới lấy lô hàng trị giá gần 40 triệu đồng để mang sang Nga làm quà”.
Chị Hạnh cho biết, khi tham gia lớp học kết hạt cườm chị chỉ mong có được một cái nghề đủ kiếm cơm qua ngày, nhưng những sản phẩm đầu tiên đưa ra thị trường được khách hàng ưa chuộng thì chị quyết định đầu tư để phát triển nghề này ổn định lâu dài. Chị Hạnh chia sẻ: “Nghề kết hạt cườm không khó, người khéo léo thì làm ra những sản phẩm giá trị hơn, nếu không, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó cũng sống được với nghề”.
Theo dự kiến, năm 2010, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có 7.200ha đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi, kéo theo đó là khoảng hơn 8.000 lao động không còn đất sản xuất, do đó chuyển đổi ngành nghề cho những lao động nông thôn là việc làm cần thiết để bảo đảm cuộc sống, an sinh xã hội. Tuy nhiên, lao động nông thôn thành công như chị Hạnh không nhiều bởi người tham gia học nghề hầu hết tuổi cao, trình độ học vấn thấp…, dẫn tới việc đào tạo nghề gặp không ít khó khăn.
Ngoài các nghề gắn với sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, một số nông dân đã được tham gia các khóa học như: điện, gò, hàn…, nhưng do trình độ học vấn thấp nên việc tiếp thu các kiến thức không phải dễ. Nhiều nông dân học xong, tay nghề không vững, không tìm được việc làm hoặc thu nhập thấp nên nản lòng.
Năm 2009, anh Hoàng Văn Hiền (ở xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) học nghề điện lạnh, tâm sự: “Đã có tuổi rồi nên tôi tiếp thu bài học cũng khó khăn hơn. Trong khi đó, các lớp học nghề có thời gian đào tạo ngắn, các tiết học thực hành không nhiều, trang thiết bị, máy móc thực hành đã lạc hậu… Do vậy, kết thúc khóa học, tôi phải tiếp tục theo học một khóa nữa mới vững tay nghề và tìm được một việc làm ổn định tại một cơ sở sửa chữa điện lạnh”.
Trước những khó khăn trên, theo ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, tìm thị trường tiêu thụ cho nông dân. Sau khi nông dân được đào tạo nghề, cần được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ cho vay vốn đầu tư mở cơ sở làm ăn, có như vậy họ mới sống được với nghề đã học.
Nguyên Trần