Dân Việt

Nuôi trâu không tốn công

17/08/2010 21:26 GMT+7
(Dân Việt) - Đến tổ 5 thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam ai cũng ngạc nhiên trước đàn trâu mấy chục con đang ăn cỏ ngoài đầm lầy mà chỉ có hai người trông coi.
img
Hàng chục con trâu nhưng chỉ cần hai người trông coi.

34 con trâu này là của của 10 hộ gia đình gộp lại, chia nhau trông coi. Các nhà có trâu, cắt cử 2 người (2 gia đình) trông coi một ngày. Cứ thế luân phiên nhau.

Đỡ công chăm sóc

Ông Nguyễn Văn Sứ (55 tuổi), tổ 5 thôn Ngọc Mỹ, kể: Cách đây 3 năm khi chưa có hình thức thả trâu phiên này, mỗi hộ phải tự giữ trâu của mình. Vì thế hôm nào rảnh thì thả, hôm nào bận công việc đồng áng thì đành phải nhốt chuồng. Ba năm nay, từ khi tổ chức thả trâu phiên, mọi việc rất thuận lợi, đỡ tốn công lao động, cứ tới phiên ai nấy thả mà trâu nhà nào cũng được chăn dắt, ăn no, không phải nhốt chuồng.

img Hình thức thả trâu phiên này không chỉ giúp ND đỡ tốn công lao động mà cao hơn là tô đậm tình làng, nghĩa xóm ấm áp. img

Ông Nguyễn Văn Sứ

Hôm nào bận có thể đổi phiên cho người khác. Lúc đầu trâu nhà ai nấy giữ, có khi bận gửi trâu nhờ người khác giữ giúp vì sông Đầm rộng và cỏ mọc rất tốt cho trâu ăn, không cần có nhiều người giữ. Gửi qua gửi lại rồi mọi người nảy ra ý định chia phiên nhau để giữ trâu cho đỡ tốn công.

Chúng tôi huy động những nhà có trâu lại và thống nhất họp ghi biên bản chia phiên. Một ngày 2 hộ trông, buổi sáng bắt đầu từ 6 giờ 30, buổi chiều từ 13 giờ 30. Mỗi hộ góp 30.000 đồng/năm để chi phí đóng ghe, sửa ghe, họp tổ...

Hôm nay, đến phiên ông Nguyễn Văn Sứ và ông Nguyễn Văn Dũng. Ông Dũng đến trước mỗi nhà có trâu lanh lảnh: Thả trâu anh Trường, thả trâu cô Thông… Nghe như tiếng kẻng báo động đã đến giờ thả trâu ra sông Đầm vậy. Nhà nào không có người ở nhà thì người thả phiên sẽ vào mở cổng chuồng thả trâu ra giúp họ. Tôi buột miệng hỏi, không sợ người ta nghi là ăn trộm hay bị chó cắn à? Ông Dũng cười: “Quen rồi. Nhà họ cũng như nhà mình và chó cũng quen hơi!”

Cần nhân rộng

Đường từ nhà ra sông Đầm đi bộ xa khoảng gần 2km. Vừa ra đến sông Đầm, cả bầy trâu ồ ạt xuống nước và thoăn thoắt gặm cỏ. Để theo trâu ra đầm, người dân phải dùng ghe chống. 10 hộ này hàng năm họp 2 -3 lần để phân công chia phiên và sửa chữa ghe. Trước đây, người dân còn có tục cúng sông Đầm cầu no ấm, cầu cho trâu khỏe, mau lớn, đẻ nhiều…Và bây giờ vào dịp đầu năm mới , mỗi hộ tự cúng ở nhà gọi là Tết Nghé.

Em Thảo, năm nay lên lớp 12 Trường THPT Hà Huy Tập (TP.Tam Kỳ), chống ghe theo đàn trâu, chỉ: “Đây là trâu của chú Xứ, đây trâu là của chú Ca, trâu này là của cô Phụng... “Đàn trâu 34 con, người ngoài nhìn thấy con nào cũng như con nào, vậy mà họ vẫn nhận ra được trâu nào của ai. 3 năm qua không có chuyện trâu đi lạc bầy hoặc nhập bầy lạ.

Trâu nhiều, người chăn ít nên họ cũng rất vất vả, nhất là khi có mưa, gió lớn, chèo ghe qua con sông Đầm mênh mông thật nguy hiểm. Lắm lúc họ phải nhảy xuống ghe để xua trâu bơi lạc hướng. Mỗi công việc đều có thú vui riêng. Ai biết chống ghe mới thả được trâu. “Thả trâu tuy vất vả nhưng ra sông Đầm được ngắm bông sen đẹp lắm” - anh Dũng nói.

Đến khi về, 34 chú trâu ương ngạnh đang "say" cỏ, cứ hết chạy bên này lại chạy sang bên kia. Người chăn trâu vừa chống ghe, vừa dồn trâu, vừa la hét, rộn rã một vùng sông. Đàn trâu thong thả đi về làng, chốc chốc chúng lại húc vào nhau rồi nhảy cẫng lên. Đến cổng nhà ai, trâu chủ nào tự động về chuồng chủ đó. Nhiều con trước khi vô nhà còn kêu lên mấy tiếng như lời tạm biệt.

Hình thức thả trâu phiên này đang lan rộng ra tại nhiều làng quê Tam Kỳ.