Dân Việt

Nỗi lo... lũ muộn

17/08/2010 21:31 GMT+7
(Dân Việt) - Mọi năm cứ đến tháng 7 là nước lũ đã tràn đồng, nay đã giữa tháng 8 rồi mà lũ chẳng chịu về. Lũ muộn đang làm nhiều mô hình làm ăn có nguy cơ phá sản.
img
Người dân vùng lũ An Giang đang mỏi mắt chờ... lũ.

Hiện tượng bất thường!

Xuôi theo Quốc lộ 91, chúng tôi tìm đến vùng biên giới Tân Châu (An Giang). Ông Trần Văn An, nông dân xã Vĩnh Hòa cho biết: "Mọi năm khi lúa hè thu mới chín, lũ đã tràn về buộc người dân phải đắp đê bao và thay nhau bơm nước cứu lúa. Nay lúa đã thu hoạch xong gần cả tháng nhưng chờ hoài không thấy lũ". Tại Đồng Tháp, tình hình cũng tương tự.

Đi dọc theo cánh đồng Thường Phước 1 và Thường Phước 2 (huyện biên giới Hồng Ngự) tìm đỏ mắt mà chẳng thấy lũ, thậm chí một số kênh nội đồng cũng bị thiếu nước khiến tàu ghe đi lại khó khăn. Ông Nguyễn Văn Mẫn- Phó phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự thừa nhận: Mấy chục năm làm trong ngành nông nghiệp, đây là năm đầu tiên lũ về muộn khác với quy luật của thiên nhiên".

Lũ khó đạt báo động 3

Theo các chuyên gia về khí tượng thủy văn, sau cơn lũ lịch sử năm 2000, mực nước ở Tân Châu lên tới 5,06m, những năm gần đây lũ đầu nguồn không đạt được báo động 3. Dự báo năm 2010 này lũ dao động khoảng 4- 4,2m tại Tân Châu (thấp hơn báo động 3 từ 3- 5 tấc).

Giải thích về nguyên nhân lũ về muộn, ông Võ Thạnh - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn An Giang phân tích: "Khảo sát thực tế cho thấy mực nước ở thượng nguồn sông Mêkong còn quá thấp.

Mực nước ở trạm Vientian, Kratie thấp rất nhiều so cùng kỳ năm ngoái. Do ảnh hưởng thượng nguồn lũ chậm và nhỏ nên mực nước trên sông Tiền, sông Hậu thấp là chuyện hiển nhiên.

Có nhiều lý do khiến lũ chưa về như: Các nước ở thượng nguồn đắp quá nhiều đập làm thủy điện, đập trữ nước… cộng với từ đầu năm tới nay lượng mưa quá ít cũng tác động đến mực nước.

Lũ nhỏ- thiệt trăm bề

Tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc- Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho biết: "Mối lo lớn nhất của Đồng Tháp hiện nay là lũ chưa về nên nguồn lợi thủy sản như cá, tép, cua, ốc… khan hiếm, khiến hàng loạt hộ dân không thể đánh bắt thủy sản để mưu sinh".

Ông Nguyễn Văn Bảo, ở xã biên giới Bình Thạnh (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp), chua chát: "Cả tháng nay nhà nào cũng chờ lũ lên để ra đồng giăng câu, thả lưới, đánh bắt cá kiếm sống.

Vậy mà tới nay đồng vẫn cạn nước khiến ai cũng rất lo". Theo UBND xã Bình Thạnh, nhiều hộ đã đầu tư hàng chục triệu đồng trang bị phương tiện đánh bắt thủy sản mùa lũ, thậm chí có hộ còn lên kế hoạch sang tận Campuchia thuê đồng để bắt cá, tép… nhưng lũ chưa về nên không thực hiện được.

Không riêng gì Bình Thạnh mà rất nhiều địa phương khác ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An… đang "chết dở" vì hàng loạt mô hình làm ăn mùa lũ như nuôi cá, nuôi tôm, trồng màu, nấm rơm, trồng ấu… không thể triển khai vì thiếu nước.

Theo ông Đỗ Vũ Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, hiện người dân đồng bằng đang mong lũ như "khát nước". Trường hợp lũ về muộn hoặc lũ nhỏ không những ảnh hưởng thiếu nguồn lợi thủy sản mà các cánh đồng sẽ mất đi nguồn phù sa bồi đắp, không tháo rửa được mầm bệnh lưu tồn trong đất, nạn chuột gia tăng… Nhiều khả năng chi phí của vụ đông xuân 2010- 2011 sẽ cao, trong khi năng suất có nguy cơ giảm.