Từ việc chuyên cung cấp giống cây trồng, ông Cường quyết định công ty chuyển sang trồng rau an toàn vì thấy nhu cầu về loại sản phẩm này ngày càng lớn. Thế nhưng, cũng giống như các công ty gia đình khác, công ty của ông cứ mãi loay hoay với vô vàn khó khăn: Vốn ít, nhân lực thiếu, hàng hóa chưa đạt yêu cầu về chất lượng lẫn số lượng...
Rào cản lớn nhất là sĩ diện
Ông Cường kể: “Lúc đầu diện tích trồng rau của công ty tôi chỉ có 1,5ha mà năng suất lại thấp, cung ứng mỗi ngày chỉ được khoảng vài chục kg, trong khi nhu cầu của các siêu thị đến hàng chục tấn/ngày. Sản phẩm thì không có gì đặc biệt, làm sao cạnh tranh lại với các “đại gia” tên tuổi lẫy lừng ở Lâm Đồng? Muốn đổi mới công nghệ, quy trình trồng trọt thì không có vốn, không có nhân lực... Vay vốn ngân hàng thì khó. Suốt mấy năm liền, công ty tôi chỉ loay hoay là nhà cung cấp nhỏ cho vài chợ ở Lâm Đồng”.
Không đầu hàng trước khó khăn, ông bắt đầu đổi phương án: Tháo gỡ từng khó khăn một. Đầu tiên là vốn. Giống như đi du học, nhà nghèo thì phải tìm học bổng. Các dự án trong lẫn ngoài nước tài trợ cho ngành nông nghiệp khá nhiều, trong đó ông chú ý đến chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (GCF) của Chính phủ Đan Mạch. Tìm hiểu điều kiện của GCF xong, ông về lên một dự án kinh doanh thật tốt, rồi đem nộp xin tài trợ.
“Lúc đó rào cản lớn nhất tôi phải vượt qua là sự tự ti và sĩ diện. Phía nước ngoài rất chuyên nghiệp, không tài trợ cho dự án nào mà họ không thấy hiệu quả cao. Họ không có cách làm việc nương nhẹ hay bỏ qua những lỗi nhỏ như người dân mình. Nhiều lúc tôi cũng tự ái lắm. Nhưng đêm về ngẫm nghĩ lại thấy họ làm đúng quá. Thế là sáng dậy tôi lại hồ hởi cùng họ làm việc tiếp” – ông Cường kể lại.
Giống cà chua mới có năng suất cao gấp 3,3 lần giống thường được Đà Lạt Gap chuyển giao cho nông dân. |
Có vốn, ông bắt đầu xây dựng nhà xưởng, nâng cấp thiết bị, đổi mới công nghệ, cải thiện quy trình sản xuất, chế biến và quản lý theo các tiêu chuẩn nước ngoài. Công ty ông bắt đầu lấy các chứng chỉ Haccp, VietGap rồi Global Gap. Song song đó là công tác quảng bá, tiếp thị và xây dựng thương hiệu được đẩy mạnh. Các siêu thị bắt đầu biết tiếng, đặt hàng cho công ty ngày một nhiều.
“Tiếng lành” vang tới tận nước ngoài. Nhật Bản gửi đơn đặt hàng ớt ngọt. Khi ấy công ty bắt đầu bộc lộ một khó khăn khác: Không đủ nguồn hàng để cung ứng. Khó khăn ấy đặt công ty trước yêu cầu phát triển lớn hơn, thoát khỏi cái gốc công ty gia đình.
Liên minh với nông dân
“Để trồng rau an toàn, yêu cầu phải đầu tư cơ sở vật chất rất lớn, hàng tỷ đồng để xây dựng nhà kính, giá thể, hệ thống tưới… Để mở rộng diện tích, không có cách nào khác là chúng tôi phải liên kết với nông dân, những người đã có sẵn cơ sở vật chất. Đó là xu hướng phát triển tất yếu” – ông Cường lý giải.
Công ty Đà Lạt GAP ký hợp đồng liên kết sản xuất với 20 hộ nông dân khác quanh vùng. Đà Lạt Gap sẽ đầu tư cho các hộ này trồng và sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap; đổi mới kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Nhờ liên kết này, công ty tăng diện tích trồng rau quả từ 1,5ha lên 18ha và có được nguồn hàng ổn định, đa dạng hơn: 600kg rau quả các loại/ngày.
Vì công ty đã không ngại bỏ tiền ra đầu tư tất cả trước cho nông dân như thế nên bà con rất tin tưởng và sẵn sàng trồng rau quả theo tiêu chuẩn này, quy trình kia, dù lắm lúc để đảm bảo được quy trình đó, họ phải bỏ toàn bộ tập quán, thói quen sản xuất cũ.
“Chúng tôi vẫn phải kiên trì xuống nhắc nhở bà con hàng ngày, thậm chí hỏi lại rồi ghi giùm nhật ký sản xuất. Lúc sắp vào mùa vụ thì nhân viên công ty phải xuống trực chiến cùng nông dân 24/24. Dần dần bà con mới quen với cung cách làm việc chuyên nghiệp, theo quy trình đàng hoàng” – ông Cường cho hay.
Trồng cây rồi cũng tới ngày hái quả. Từ doanh thu 700 triệu đồng/năm, công ty đã đạt hơn 1 tỷ đồng/năm ở thị trường trong nước. Đà Lạt Gap cũng vừa ký được với một đối tác Nhật Bản hợp đồng 7,2 tỷ đồng cung ứng ớt ngọt với kế hoạch 100 tấn trong năm 2010, 400 tấn vào năm 2011 và 1.000 tấn cho 2012. Các doanh nghiệp ở Úc, Canada cũng bắt đầu cử đối tác sang gặp ông thương thảo làm ăn.
Ngọc Minh