Dân Việt

Hợp tác Việt Nam - châu Phi: Chưa xứng với tiềm năng

18/08/2010 12:07 GMT+7
(Dân Việt) - Hội thảo quốc tế “Việt Nam-châu Phi: Hợp tác cùng phát triển bền vững” đã khai mạc tại Hà Nội ngày 17-8.

Những năm qua, hợp tác về kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với tất cả 54 nước châu Phi. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Phi tăng nhanh qua từng năm, từ 360 triệu USD năm 2003 lên 2 tỷ USD năm 2008, gấp đôi mục tiêu đặt ra trong Chương trình hành động 2004-2010.

Việt Nam cũng chủ động từng bước xây dựng và hình thành các trọng điểm hợp tác và đối tác ưu tiên tại châu Phi, trong đó chú trọng đẩy mạnh các hình thức hợp tác song phương, như triển khai liên doanh dầu khí với Algeria, Tunisia, Madagascar, Ai Cập, Angola, Libia...; hợp tác nông nghiệp, bưu chính - viễn thông, chuyên gia, năng lượng với Angola, Mozambique; hợp tác lao động với Libia; thăm dò khả năng hợp tác nông nghiệp, chăn nuôi, dầu khí với Sudan...

Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Hội thảo lần này là diễn đàn quan trọng, thực chất và là cầu nối hiệu quả để Việt Nam và các nước châu Phi anh em xích lại gần nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, trong thời gian qua quan hệ hợp tác Việt Nam - châu Phi vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và mong đợi của cả hai bên. Việt Nam và châu Phi hiện chưa có nhiều thỏa thuận thiết yếu cho hợp tác đầu tư, kinh doanh lâu dài như các hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư… Các cơ chế hợp tác, đặc biệt là cơ chế Ủy ban liên chính phủ còn ít và chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Tỷ trọng, hình thức và lĩnh vực trao đổi thương mại còn nghèo nàn...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với châu Phi trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường sự hiện diện hiệu quả của Việt Nam tại châu Phi và ngược lại. Hai bên có thể tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên có tính khả thi cao như năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại - đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác y tế, giáo dục… Mỗi lĩnh vực ưu tiên cần chọn ra một số dự án trọng điểm để đảm bảo thực hiện có hiệu quả, các bên cùng có lợi.