Bà Phan Thị Diệu (88 tuổi), xã Quảng Tân, ngày ngày vẫn miệt mài làm nón lá. |
Rời quân ngũ năm 1972, duyên số đưa đẩy anh gặp chị Phạm Thị Hường, thương binh vừa trở về từ chiến trường. Hai cuộc đời cơ cực bấu víu vào nhau. Anh Tố nhớ lại, ngày vợ chồng ra riêng, hai bên nội ngoại chỉ cho vài sào ruộng làm của hồi môn. Sức khỏe hai người đều yếu, đất đai “đồng chua nước mặn” nên làm mấy cũng chẳng đủ ăn. Ở quê anh có nghề làm nón lá, dễ làm và nhiều người làm, nhưng hàng làm ra không biết bán cho ai.
Hai vợ chồng bàn với nhau đứng ra gom hàng của bà con đem ra Nghệ An bán. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, số hàng mà anh gom của bà con bán không được vì khách hàng chê xấu, đơn điệu. “Phải tìm cách nâng cao chất lượng nón, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới, đặc biệt là phải có thương hiệu cho nón” – anh Tố suy nghĩ.
Năm 2007, anh Tố mở cơ sở sản xuất nón lá ngay tại nhà mình, tranh thủ học hỏi thêm kinh nghiệm những nghệ nhân làm nón có tay nghề cao trong địa phương, học thêm mẫu mã từ các làng làm nón nổi tiếng khác.
Anh đăng ký thương hiệu “Nón lá Hoàng Hữu Tố” với trên 10 mẫu khác nhau, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của nhiều khách hàng. Mặt khác, anh tìm cách mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành khác. Đến nay, thương hiệu “Nón lá Hoàng Hữu Tố” đã có mặt khắp cả nước, đem về nguồn thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng cho gia đình.
Anh đặt hàng bà con bằng cách cho họ nhận vật liệu về nhà làm còn anh bao tiêu hết sản phẩm. Hiện, hơn 1.500 lao động ở 9 xã vùng Nam và các xã Cảnh Hóa, Phù Hóa, Quảng Trường... (huyện Quảng Trạch) tham gia làm nón cho cơ sở anh Tố.
Giờ đây, đến các xã vùng Nam huyện Quảng Trạch những ngày hè nóng bỏng, ở đâu chúng tôi cũng gặp người già, trẻ em làm nón, trò chuyện rất rôm rả. Chị Nguyễn Thị Út (Quảng Tân) khoe: “Gia đình tui sống chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, mùa này ruộng đồng hạn hán, không biết cuối vụ có thu được hạt thóc nào không.
May mà có nghề nón, mỗi ngày tui và bà nội cùng mấy đứa nhỏ chằm nón cũng có hơn 50 nghìn đồng. Tích cóp trong vụ hè đủ tiền nộp học cho các con. Trước đây lúc nông nhàn, cả nhà chỉ biết ngồi chơi thôi. Chừ nhờ anh Tố mà tui có việc để làm. Hai đứa nhỏ tui bày vẽ cho mấy bữa, mỗi ngày tranh thủ nó cũng giúp tui chằm được 2 chiếc nón, cũng có chục ngàn đồng...”.
Phan Phương